3 chỉ tiêu y tế không hoàn thành
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá kết quả năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân (Cơ quan Thường trực Chương trình 08-Ctr/TU) cho biết: Hiện có 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch năm 2022 và khó thực hiện gồm chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; Tuổi thọ bình quân; Có 1 chỉ tiêu chưa triển khai thực hiện là tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sức khỏe học đường.
Cụ thể, chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân). Tổng số giường bệnh hiện nay của Hà Nội đạt 22.796 giường. Để thực hiện mục tiêu 30 giường bệnh/vạn dân đến năm 2025, cần bổ sung tối thiểu 4.204 giường bệnh.
Chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sỹ/vạn dân, tương đương 13.250 bác sỹ): Số bác sỹ hiện là 14 bác sỹ/vạn dân. Để đạt mục tiêu còn thiếu 367 bác sỹ, chia bình quân 5 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 75 bác sỹ.
Làm rõ thêm về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân và bác sỹ/vạn dân là chỉ tiêu khó, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chúng ta đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 gần như hoàn thành chỉ tiêu này. Quan điểm của ngành y tế là ngành phải giữ vai trò chủ công, tham mưu đề xuất với TP hoàn thành chỉ tiêu này.
Tuy nhiên, tại từng quận, huyện, lãnh đạo căn cứ vào những sơ sở y tế trên địa bàn để tính tỷ lệ giường bệnh và bác sỹ/vạn dân nhằm chủ động và hoàn thành chỉ tiêu. Thực tế, có nhiều quận, huyện có bệnh viện bộ, ngành Trung ương hoặc bệnh viện thuộc Bộ Y tế dành một phần số giường bệnh phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân tại Hà Nội (theo thống kê của bảo hiểm y tế, tỷ lệ này chiếm khoảng 20%).
Để đạt được mục tiêu tỷ lệ giường bệnh/vạn dân và bác sỹ/vạn dân vào năm 2025, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP đã đưa ra các giải pháp về chuẩn bị dự án trên địa bàn - đặc biệt với 6 bệnh viện mới được khởi công xây dựng. Dự kiến bệnh viện thấp nhất là 250 giường, bệnh viện nhiều nhất là 500 giường. Trong số này có bệnh viện lấy nguồn từ ngân sách TP, có bệnh viện vốn từ nguồn xã hội hóa. Nội dung này Sở KH&ĐT đã rất tích cực cùng Sở Y tế, Tài chính phối hợp trong chủ trương đầu tư.
Riêng về xã hội hóa, có một số bệnh viện cần thu hút xã hội hóa như bệnh viện trên địa bàn huyện Gia Lâm, chuyên khoa Nội tiết trên địa bàn Bắc Từ Liêm, bệnh viện lão khoa tại Sóc Sơn. Về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU chỉ đạo Sở KH&ĐT tổ chức hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư và triển khai ngay trong quý I/2023 để thực hiện nhiệm vụ đầu tư các bệnh viện theo hình thức xã hội hoá trên quỹ đất dành cho y tế của TP.
Khó khi chuyển bệnh viện bộ, ngành về Hà Nội
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như Luật Khám, chữa bệnh về quy hoạch y tế, các bệnh viện bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn phải trực thuộc sự quản lý của địa bàn, nên Hà Nội cũng sẽ có thêm tối thiểu 680 giường. "Tuy nhiên nội dung này gặp khó khăn, khi Hà Nội gửi văn bản tới các bộ, ngành Trung ương, quan điểm của các bộ, ngành là không muốn để các bệnh viện trực thuộc Hà Nội"-Giám đốc Sở Y tế bày tỏ.
"Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành công văn đề nghị các bộ, ngành khẩn trương bàn giao các bệnh viện đóng trên địa bàn cho Hà Nội. UBND TP đã có văn bản gửi các bộ ngành nhưng các bộ, ngành có văn bản trả lời không nhất trí, không đồng thuận nhưng không đưa ra cơ sở pháp lý về nội dung này. Vì vậy, đề nghị Trưởng ban chỉ đạo và lãnh đạo TP làm việc với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất quan điểm này"-Giám đốc Sở Y tế đề xuất.
Đối với việc thực hiện chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân, để thu hút bác sỹ về tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế đã có Đề án thu hút nguồn nhân lực dành cho tuyến y tế cơ sở bằng việc đào tạo theo địa chỉ. Đồng thời, Luật Khám, chữa bệnh phân tuyến các cấp chuyên môn kỹ thuật làm 3 cấp sẽ tạo thuận lợi để có trật tự trong quy định khám, chữa bệnh và thu hút được bác sỹ về trạm y tế.
Bên cạnh đó, hiện còn khó khăn trong hoàn thiện các bệnh viện của ngành y tế. Sở Y tế đề xuất 18 dự án trong đó có 2 dự án gặp khó khăn là Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Sơn Tây. TP đã quan tâm đầu tư xong cơ sở vật chất nhưng lại thiếu trang thiết bị.
Về chỉ tiêu 100% người dân được kiểm tra sức khỏe, Giám đốc Sở Y tế cho rằng đây cũng là chỉ tiêu khó. Ngành y tế đặt mục tiêu 100% người dân được quản lý sức khỏe, không phải chỉ khám sức khỏe. Trong 2 năm 2021-2022 người dân có tỉ lệ tiêm chủng cao, thông qua tiêm chủng ngành y tế đã khai thác về quản lý sức khỏe, số liệu cập nhật trên phần mềm nên đã hoàn thành chỉ tiêu này.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, cần quan tâm thực chất hơn đến sức khỏe người dân thông qua tổ chức khám sức khỏe, không chỉ quản lý trên hồ sơ. Để làm được điều này rất cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn như với các chiến dịch khác và có kế hoạch tổng thể.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU đã đề nghị cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ như: Xã hội hóa các bệnh viện, chuyển giao bệnh viện bộ, ngành về Hà Nội, tỉ lệ khám sức khỏe cho người dân... Những chỉ tiêu liên quan đến ngành, địa phương, trách nhiệm liên quan đến quận uỷ, thị ủy đề nghị địa phương rà soát và xem cách thức làm phù hợp.