Hà Nội: Cảnh giới nghiêm ngặt tại ổ dịch cúm A/H5N6

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 đầu tiên (2/2) đến nay, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ luôn được cảnh giới nghiêm ngặt 24/24 giờ. Bất kể người hay phương tiện ra vào thôn đều được phun thuốc sát trùng. Toàn bộ đường trong thôn và khu vực chăn nuôi gia cầm được phủ một lớp vôi bột trắng xóa.

Chốt kiểm dịch tạm thời được đặt tại thôn Phú Vinh, kiểm soát không cho vận chuyển gia cầm ra vào thôn. Đồng thời phun thuốc sát trùng người và phương tiện ra vào thôn.
Thực hiện cảnh giới nghiêm ngặt tại chốt kiểm dịch
Trưởng Ban Chăn nuôi và Thú y xã Phú Nghĩa Nguyễn Thị Hiển cho biết, từ ngày 2/2 đến nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đã có 4 hộ chăn nuôi có gia cầm bị ốm chết. Ngay sau khi nhận được tin báo, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và cho kết quả có 3/4 hộ có đàn gia cầm dương tính với  cúm A/H5N6.

Người và phương tiện ra vào thôn đều phải phun thuốc sát trùng
Phun thuốc sát trùng khi ra vào thôn
Để khoanh vùng dịch bệnh, chính quyền địa phương đã cho tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của 4 hộ trên gồm 6.807 con theo đúng quy định. Đồng thời lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh kiểm soát tất cả người và phương tiện ra vào thôn. Kiểm soát không cho người dân vận chuyển ra vào thôn.
Chốt trực duy trì 24/24 giờ, 3 ca/ngày, mỗi ca trực bao gồm cán bộ thú y và công an viên. Đồng thời thực hiện ghi chép nhật ký trực hàng ngày.
Nhờ thực hiện tốt công tác khoanh vùng, dập dịch, tới nay, trên địa bàn xã không xuất hiện thêm ổ dịch nào nữa.
Tại chốt trực thường xuyên được rắc vôi bột
Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia cầm nuôi toàn xã Phú Nghĩa là 294.904 con, trong đó gia cầm sinh sản là 107.556 con, gia cầm thương phẩm là 187.348 con. Tổng đàn gia cầm thôn Phú Vinh (thôn có dịch) là 71.684 con, trong đó gia cầm sinh sản là 2.656 con, gia cầm thương phẩm là 69.028 con.
Tổng đàn gia cầm nuôi gia công cho công ty tại thôn Phú Vinh là 14 hộ, tổng số 370.000 con gà thương phẩm. Nếu để dịch lây lan rộng, thiệt hại về kinh tế đối với địa phương không hề nhỏ.
Đàn vịt thương phẩm của hộ anh Ngô Văn Khải thôn Phú Vinh gồm 3.000 con đang thường ngày chăn thả tại kênh mương của thôn. Tuy nhiên từ khi trên địa bàn thôn xuất hiện dịch cúm A/H5N6, đàn vịt của gia đình anh được quây nhốt cách ly, chăm sóc nhằm tránh dịch bệnh
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút. Đặc biệt bệnh có thể lây sang người.
Khu vực cánh đồng chăn thả gia cầm của thôn Phú Vinh được phủ một lớp vôi bột trắng xóa.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại Chương Mỹ, Chi cục đã tổ chức tiêm phòng bao vây cho đàn gia cầm khỏe mạnh chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại khu vực ổ dịch và các thôn giáp danh với thôn có dịch.
Tổ chức triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch và khu có nguy cơ cao theo quy định để tiêu diệt mầm bệnh. Lập các chôt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch.
Đàn vịt khỏe mạnh trong thôn đã được tiêm phòng vaccine bổ sung
Đồng thời rà soát, thống kê, ký cam kết, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tới hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện, khoanh vùng xử lý, khống chế, dập dịch nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng. Thông tin báo cáo, điều tra, xác minh kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ 450.000 liều vaccine để tiêm phòng bao vây các đàn xung quanh và tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch, hạn chế thấp nhất tình trạng bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay.
Khu vực chuồng trại chăn nuôi cũng thường xuyên được rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng

Hiện, đơn vị duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và ATTP cũng như hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra, vào TP.