Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: cấp thiết liên kết các hồ điều hòa với hệ thống thoát nước chung

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển hệ thống hồ điều hòa liên kết với hệ thống thoát nước, nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng tại Thủ đô…

Để làm rõ hơn tính cấp thiết của biện pháp này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội về vấn đề này.

Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội

Xin ông cho biết một số thông tin về hệ thống thoát nước, công tác phòng, chống ngập úng tại Hà Nội hiện nay?

- Hiện nay công tác quản lý duy trì, vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là đơn vị chủ lực của TP trong lĩnh vực thoát nước đang thực hiện 3/6 gói thầu duy tu duy trì, vận hành thoát nước đô thị do TP quản lý gồm lưu vực sông Tô Lịch, Tả Nhuệ, một phần lưu vực Hữu Nhuệ, lưu vực Long Biên. Với hệ thống thoát nước ngõ xóm, ngõ phố do quận, huyện quản lý theo phân cấp, công ty tham gia thực hiện trên địa bàn 10/12 quận; 10/17 huyện. Tổng khối lượng hệ thống thoát nước đô thị Công ty được giao chiếm khoảng 80% địa bàn TP.

Theo "kịch bản mưa" năm 2024, đối với các trận mưa có cường độ từ 50 - 70mm/h, trên địa bàn TP sẽ xuất hiện 11 điểm ngập úng (lưu vực sông Tô Lịch 8 điểm, sông Nhuệ 1 điểm và khu vực Long Biên - sông Cầu Bây 2 điểm); đối với các trận mưa có cường độ từ 70mm/h trở lên, Hà Nội sẽ xuất hiện thêm 19 điểm ngập úng. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch là 8 điểm; sông Nhuệ 8 điểm; Long Biên 1 điểm và Đông Anh 2 điểm.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?

- Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng tại Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp. Đầu tiên phải kể đến là việc hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ thuộc lưu vực Tô Lịch được đầu tư xây dựng từ trước những năm 1954 đã vận hành trên 70 năm, hiện đã xuống cấp, địa hình một số tuyến đường võng trũng hơn so với xung quanh dẫn đến xuất hiện các điểm úng ngập cục bộ.

Bên cạnh đó, tại lưu vực Long Biên, hệ thống cống, kênh mương thoát nước trong lưu vực đã và đang được đầu tư theo quy hoạch nhưng các trạm bơm đầu mối như trạm bơm Cụ Khối 55m3/s, trạm bơm Gia Thượng 10m3/s chưa được xây dựng đồng bộ khiến hệ thống thoát nước chủ yếu hoạt động bằng hình thức tự chảy ra sông Cầu Bây và một phần được bơm cưỡng bức ra sông Đuống qua trạm bơm dã chiến cầu Đông Trù. Vì vậy, khi có mưa hệ thống thoát nước lưu vực phụ thuộc rất lớn vào mực nước sông Cầu Bây, dẫn đến khi mực nước sông Cầu Bây dâng cao ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước trong lưu vực.

Tương tự, đối với lưu vực sông Nhuệ do hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s dù đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh dẫn về trạm bơm chưa hoàn thiện công tác cải tạo xây dựng do vướng mặt bằng thi công; các trạm bơm lớn khác như Liên Mạc 170m3/s… chưa được triển khai xây dựng nên công tác thoát nước gặp rất nhiều khó khăn. Việc tiêu thoát nước vẫn chủ yếu bằng hình thức tự chảy và một phần bơm cưỡng bức ra sông Nhuệ qua trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng bông 2, Cổ Nhuế, Thanh Bình, Cầu Bươu.

Đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến việc kết nối các hồ điều hòa vào hệ thống thoát nước trở nên cấp thiết, thưa ông?

- Đúng vậy! Như đã nói, hiện nay công tác thoát nước đối với các khu vực đang theo hình thức chính là tự chảy trên địa bàn TP sẽ gặp nhiều khó khăn khi có mưa bão lớn xảy ra. Bởi, khi mực nước trên sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao sẽ khiến các khu vực có cos nền thấp, hạ tầng thoát nước yếu kém… rơi vào tình trạng ngập úng.

Bên cạnh đó, tốc đô đô thị hóa nhanh trong khi các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm bơm đầu mối, các hồ trong khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch nên khi mưa tạo áp lực cho hệ thống thoát nước hiện có. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư các khu đô thị, nhiều chủ đầu tư chưa chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh, thảm cỏ và chưa sử dụng các vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm… dẫn đến việc nước mưa chảy tập trung rất nhanh vào hệ thống thoát nước chung gây quá tải, nước không thoát kịp.

Do đó, việc xây dựng và phát triển, kết nối hệ thống các hồ điều hòa trong các khu đô thị vào hệ thống thoát nước để tăng cường khả năng chứa, trữ nước mưa cho các khu vực liên quan sẽ là biện pháp cấp thiết nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng tại Thủ đô khi mưa trong điều kiện hiện nay.

Vậy ông có kiến nghị gì để mục tiêu trên sớm hoàn thành, đi vào sử dụng góp phần đảm bảo an toàn hệ thống thoát nước, chống ngập úng tại Thủ đô?

- Để đảm bảo công tác tiêu thoát nước cho Thủ đô Hà Nội, ngoài việc thực hiện theo phương án, kế hoạch thoát nước đã được phê duyệt, công ty chúng tôi cũng đã kiến nghị TP Hà Nội, các sở, ban ngành chức năng ban hành quy định liên kết các hồ điều hòa trong công viên, khu đô thị với hệ thống thoát nước TP.

Trên cơ sở đó, công ty đề nghị cần xây dựng mực nước khống chế và quản lý mực nước từng hồ góp phần vào công tác điều hòa thoát nước chung của TP. Đồng thời, TP chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng và cải tạo đồng bộ hệ thống thoát nước lưu vực Tả, Hữu Nhuệ để đảm bảo công tác thoát nước lâu dài, trong có việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ điều hòa theo quy hoạch, xây dựng một số bể điều tiết ngầm tại khu vực phố cổ, phố cũ kết hợp với việc cải tạo, bảo tồn các hồ, ao hiện có.

Cùng với đó, công ty đề nghị các Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng của TP, quận, huyện chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương thanh thải hệ thống thoát nước, các tuyến cống hóa mương, các hạng mục thoát nước đã hoàn thành, thực hiện công tác bàn giao quản lý, duy trì sau đầu tư theo phân cấp phục vụ thoát nước đô thị.

Công ty cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng và thực hiện nghiêm túc biện pháp dẫn dòng thi công không để ảnh hưởng đến công tác thoát nước trong mùa mưa 2024 đối với các dự án: xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; cống hóa mương Thụy Khuê; cống hóa mương Ngọc Hà (mương Kẻ Khế), dự án thí điểm đường sắt đô thị TP Hà Nội…

Công ty  đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành pháp luật về thoát nước và môi trường, phòng, chống hiện tượng xả rác, phế thải, dầu mỡ… ra hệ thống thoát nước trong cộng đồng Nhân dân và DN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

 

Vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND, ngày 31/5/2024, về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 của Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND TP liên quan đến “Tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân”.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô là việc TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương, giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng, để chống úng ngập khu vực phố cổ.