Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội chỉ đạo bình ổn giá thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2022

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán 2022 được cho là vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn về giá cả mặt hàng này là không thể chủ quan.

Tại khu vực miền Bắc, giá thu mua lợn hơi ngày 8/11 giảm nhẹ tại một vài tỉnh, TP. Theo đó, hai tỉnh Nam Định và Thái Nguyên cùng hạ nhẹ một giá xuống còn 44.000 đồng/kg. Riêng tại Hà Nội, giá lợn hơi đang ở mức 47.000 đồng/kg. Thương lái tại các tỉnh, TP còn lại vẫn thu mua ổn định so với phiên giao dịch cuối tuần trước. 
Trong khi đó, giá bán lẻ thịt lợn được điều chỉnh tăng tại một số cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Ngày 8/11, bảng giá thịt mát Meat Deli ghi nhận điều chỉnh tăng một số mặt hàng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Tại chuỗi cửa hàng thịt G-Kitchen, thịt đùi, vai, xay, cốt lết đồng giá 115.000 đồng/kg; xương các loại đồng giá 95.000 đồng/kg...
Giá lợn thịt tại Hà Nội đang dao động ở mức 47.000 đồng/kg. 
Nhiều chuyên gia đánh giá, từ nay đến dịp Tết Nguyên đán 2022, nguồn cung thịt lợn vẫn cơ bản đảm bảo cho thị trường. Tuy nhiên, giá mặt hàng này có thể biến động, tuỳ thuộc vào nguồn cung, lưu thông, phân phối tại từng địa phương, vùng miền. Đặc biệt, một bộ phận người chăn nuôi tại Hà Nội và một số địa phương hiện còn dè dặt trong tái đàn, tăng đàn lợn, có thể dẫn tới thiếu hụt cục bộ nguồn cung trong một số thời điểm…
Nhằm bình ổn giá thịt lợn, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã có công văn đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các sở ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ, các điểm giết mổ tự phát trên địa bàn TP. 
Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi lợn không găm hàng, bán hàng đúng lứa, bảo đảm nguồn cung. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc đầu cơ, trục lợi góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn.
Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường đối với thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng; chủ động và kịp thời có biện pháp nhằm điều hòa và cân đối cung, cầu, ổn định giá thịt lợn ở mức hợp lý; nhất là dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giá cả thị trường, tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường nhằm nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn.
Các sở ngành, địa phương cũng cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và găm hàng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá bán mặt hàng thịt lợn lên cao trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tổ chức công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa cho thị trường nhằm góp phần ổn định giá bán, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn...