Hà Nội: Chi phí chống hạn cao, 1 doanh nghiệp thủy lợi nợ ngành điện gần 3,5 tỷ đồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp khiến công tác chống hạn vụ Xuân của Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong những năm qua. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ lợi trên địa bàn TP.

Vận hành Trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước vụ Xuân 2020.
Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích (Công ty sông Tích) là một trong bốn doanh nghiệp thủy lợi được Hà Nội giao nhiệm vụ thực hiện công tác chống hạn vụ Xuân hàng năm. Theo đó, trong vụ Xuân, doanh nghiệp này thực hiện cấp nước sản xuất cho diện tích khoảng 27.000ha.
Để cấp nước cho sản xuất vụ Xuân, Công ty sông Tích phải vận hành 4 trạm bơm lớn gồm: Sơn Đà, Trung Hà, dã chiến Phù Sa và dã chiến Xuân Phú, cùng hàng chục trạm bơm nhỏ khác. Bên cạnh đó là nguồn tiếp nước từ các hồ chứa thủy lợi: Suối Hai, Đồng Mô.
Mặc dù vậy, trước tình hình khó khăn về nguồn nước, trong quá trình phục vụ tưới những năm gần đây (bao gồm cả vụ Xuân 2020), chi phí điện năng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị tăng cao khiến kinh phí phục vụ tưới rất lớn.
Nguyên nhân được Tổng giám đốc Công ty sông Tích Nguyễn Chí Hải lý giải là do trước và sau các đợt xả nước liên hồ, một số trạm bơm, đặc biệt là Trạm bơm dã chiến Phù Sa thường xuyên vận hành trong điều kiện bất lợi về cột nước, dẫn đến chi phí điện năng tăng. Bên cạnh đó, Công ty sông Tích còn vận hành trạm bơm tiếp nguồn kênh Đồng Mô phục vụ chống hạn, nên chi phí điện năng cũng tăng.
Đại diện Công ty sông Tích cho biết thêm, do chi phí điện năng tăng cao nên năm 2019, tổng tiền điện đơn vị phải chi trả lên đến gần 25,5 tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp mới thanh toán được 22 tỷ đồng cho ngành điện, và đến nay, vẫn đang nợ gần 3,5 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn nước, đại diện Công ty sông Tích đã có kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét, thanh toán chi phí tiền điện cho doanh nghiệp theo hóa đơn thực tế. Đồng thời, cấp bù kinh phí trong dự toán đặt hàng năm 2020.