Ngày 18/9, tại phiên toàn thể Hội nghị Thị trưởng thủ đô các nước ASEAN (MGMAC) và Diễn đàn Thị trưởng ASEAN (AMF) diễn ra tại Vientiane, nước CHDCND Lào, thay mặt Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã có bài tham luận về “Một số kinh nghiệm trong việc thu hẹp khoảng cách, điều kiện sống của người dân khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn”.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, trong đó việc thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.
Thủ đô Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 có tổng diện tích tự nhiên là hơn 3,3 nghìn km2, gồm 30 đơn vị hành chính (12 quận, 17 huyện và 1 thị xã). Thời điểm đó, Hà Nội có diện tích nông nghiệp khá lớn so với các Thủ đô trên thế giới (khoảng 200 nghìn ha, chiếm 59% tổng diện tích); dân số khu vực nông thôn trên 4,2 triệu người, chiếm trên 50% tổng dân số; lao động khu vực nông thôn khoảng 2,3 triệu người, chiếm trên 56% lực lượng lao động của toàn Thành phố. Khu vực nông thôn ngoại thành được xác định là vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong hơn 10 năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng “Nông thôn mới”; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi; Các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh, các làng nghề nổi tiếng được hình thành khá đồng bộ; nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao đã từng bước chinh phục các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ… ; đời sống kinh tế, văn hóa vùng nông thôn đang có những đổi thay từng ngày.
Năm bài học kinh nghiệm
Đạt được những thành tựu quan trọng đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chia sẻ tới các đại biểu tham dự Hội nghị một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, cần tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ và kết nối vùng. Thành phố đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ và các tuyến giao thông liên kết giữa khu vực nội thành và các vùng ngoại ô, nông thôn. Diện tích đất dành cho giao thông hiện nay đạt khoảng trên 10%, dự kiến đến hết năm 2025 đạt khoảng 12-15%. Cùng với các công trình hạ tầng thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hạ tầng thông tin, các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy giao thương, dịch vụ logistics và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của người dân nông thôn.
Thứ hai, phát triển kinh tế nông thôn gắn với chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Hà Nội đã xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế mới, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm, đến nay có gần 2.000 sản phẩm OCOP); Các hoạt động kinh tế tuần hoàn được khuyến khích phát triển, qua đó không chỉ tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân mà còn giúp bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, góp phần phát triển bền vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội hiện nay đạt khoảng 3.000 USD.
Thứ ba, chú trọng đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa tại khu vực nông thôn. Mục tiêu hướng tới là để người dân khu vực nông thôn được tiếp cận giáo dục và đào tạo bình đẳng và toàn diện; Qua đó giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của nông dân, tạo tiền đề tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lao động khu vực nông thôn. Thành phố luôn quan tâm các chính sách định hướng giáo dục hướng nghiệp, tích hợp trong chương trình các môn học theo mô hình STEM, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển chung, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ tư, phát huy vai trò của công nghệ số trong thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn. Hà Nội đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công tại khu vực nông thôn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dịch vụ hành chính, y tế, giáo dục,… Đồng thời tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế số, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại nông thôn. Đến nay, cơ bản khu vực nông thôn ngoại thành và khu vực thành thị không có chênh lệch và khoảng cách trong việc tiếp cận internet và các ứng dụng công nghệ số. Tỷ lệ hộ dân có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh đạt 80%; 100% các thôn, làng có sóng di động hoặc internet băng rộng.
Thứ năm, chú trọng an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe người dân được Thành phố đặc biệt quan tâm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và y tế dự phòng. Dịch bệnh trong cộng đồng được giám sát chặt chẽ. Các hoạt động bảo trợ, an sinh xã hội được quan tâm; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 7,8 triệu người (bằng 95%); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp hằng năm đạt 99,9%. Đến nay, Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia.
Sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với mong muốn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh cao. Trong thời gian tới, Hà Nội chủ trương xây dựng: “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh”, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ; cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, thông tin truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho nông dân và cư dân nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Hai là, Phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới; Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; Sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, Phát triển nông nghiệp sinh thái tại các vùng bãi sông Hồng, sông Đáy, phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm sạch, chất lượng cao; Ưu tiên đầu tư ngành chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, cùng với việc bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phát triển các khu chăn nuôi tập trung, liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín,…
Bốn là, Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Quy hoạch khu dân cư, công trình, nhà ở phù hợp với truyền thống văn hoá, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm là, Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh. Khai thác hợp lý, hiệu quả mặt nước, chuyển đổi diện tích đất vùng thấp, trũng sang nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan đô thị; bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên thuộc khu vực sông Đà và sông Hồng. Khai thác các tiềm năng sinh thái và khí hậu đặc thù để khai thác phát triển du lịch….
Cuối cùng, để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn một cách bền vững, TP Hà Nội luôn khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư nông thôn trong quá trình xây dựng, phát triển và quản lý địa phương với phương châm “Người dân khu vực nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.