Hà Nội chính thức được UNESCO đưa vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo thông tin từ trụ sở UNESCO, khoảng 9 giờ 30 sáng 31/10 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban di sản thế giới (UNESCO) đã tiến hành xem xét bỏ phiếu công nhận Hà Nội là Thành phố sáng tạo cùng với 66 thành phố khác trên thế giới. Nâng tổng số mạng lưới Thành phố sáng tạo lên 246 TP.

Ngay sau kết quả công bố, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã bày tỏ: “Những TP trên khắp thế giới này, đều mang theo cách riêng không chỉ biến văn hóa là phụ kiện mà chính là trụ cột trong chiến lược. Đó là sự đảm bảo cho đổi mới chính trị xã hội và là dấu hiệu mạnh mẽ đối với các thế hệ trẻ”.
 Nhà hát lớn Hà Nội - một trong những công trình sáng tạo tiêu biểu của Hà Nội đầu thế kỷ XX
Mạng lười các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện có tổng cộng 246 TP. Các TP thành viên đến từ các châu lục khác nhau, các khu vực với mức thu nhập và dân số khác nhau. Mục đích chung của họ là hướng tới sứ mệnh: Dùng sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị theo hướng an toàn, bền vững, toàn diện gắn với Chương trình Phát triển bền vững của UNESCO tới năm 2030.
Mạng lưới TP Sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP vinh danh quốc tế với việc lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. TP trên thế giới thuộc các quốc gia thành viên của UNESCO được công nhận đạt tiêu chí của mạng lưới TP sáng tạo, với việc lựa chọn một trong 7 lĩnh vực sáng tạo trên nền tảng văn hóa, gồm: Thủ công – Nghệ nhân dân gian, Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc.
 Cầu Nhật Tân - công trình sáng tạo hiện đại của Hà Nội
Hà Nội đã lựa chọn lĩnh vực thiết kế để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xét ghi danh. Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở VHTT Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội. Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu và tài liệu, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, tổ chức hội thảo quốc tế đã được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý hồ sơ của các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước. Vốn có thế mạnh trong lĩnh vực ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian… nhưng lĩnh vực thiết kế vẫn được xem là một trong những tiêu chí tiêu biểu của thủ đô Hà Nội, nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng cũng như các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… để ứng cử vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Những dấu ấn đầu tiên của thiết kế tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Tiếp đến là các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện tài hoa, sức sáng tạo trong thiết kế của nhiều thế hệ nhà thiết kế mang phong cách kiến trúc bản địa, Pháp và Trung Quốc như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngày nay, sự đa dạng đó vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần