Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chợ truyền thống vắng vẻ trong ngày Tết Hàn thực

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường khi không có việc gì cần. Do đó, phiên chợ ngày Tết Hàn thực ở Hà Nội vắng vẻ người mua kẻ bán.

 Tết Hàn thực vào ngày 3/3 Âm lịch, người dân dâng cúng tổ tiên bánh trôi, bánh chay.

Tết Hàn thực vào ngày 3/3 Âm lịch, hay còn gọi là Tết Bánh Trôi - Bánh Chay. Đây là một trong những ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Hàn thực có nghĩa là thức ăn nguội. Theo phong tục cổ truyền, vào ngày Tết Hàn thực người ta không đun nấu ở trong nhà do kiêng lửa. Phần lễ cũng chỉ có bánh trôi, bánh chay, thêm xôi, chè, trái cây, hoa thắp lên ban thờ để cúng lễ gia tiên mà không cúng các đồ mặn như các ngày tết lễ khác.
Chính vì thế, vào những ngày này hàng  năm các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội nhộn nhịp người làm bánh trôi, bánh chay, người mua cũng tấp nập.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nên năm nay các hoạt động mua - bán bánh trôi, bánh chay tại các chợ truyền thống giảm mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, số lượng người làm bánh ở mỗi chợ chỉ có một vài hàng, giảm từ 70 - 80% số người làm bánh so với mọi năm. Người mua cũng chỉ lác đác.
 Chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân, Hà Nội vắng khách mua hàng.

Tại chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân, những năm trước có hơn chục hàng làm bánh trôi, bánh chay với những mâm bột luôn chất đầy. Người làm cũng phải luôn tay lặn bánh, vớt bánh và bán. Thế nhưng, năm nay cả chợ chỉ có 3 - 4 hàng làm bánh.
Một người làm bánh ở đây cho biết, mọi năm vào dịp trước và trong ngày Tết Hàn thực chị bán hàng chục cân bột mỗi ngày, nhưng năm nay làm ít, chỉ vài cân. Người mua cũng lác đác, giảm khoảng 70% khách so với mọi năm. Giá cả vẫn như những năm trước, mỗi hộp bánh chay và bánh trôi đều 7.000 đồng.
Ghi nhận cho thấy Không chỉ có hàng bánh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hàng rau, thịt, cá, gà cũng có ít người mua, do đó hàng hóa bán chậm và số lượng hàng bán cũng giảm mạnh.