Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chủ động đối phó với bão lũ đến tới tận thôn, xã

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 7052/UBND-NNNT triển khai công tác ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, nước ta liên tiếp chịu ảnh hưởng của các trận thiên tai, lũ lụt. Tính đến tháng 8 đã có 6 cơn bão hoạt động trên biển Đông. Thiên tai đã làm 121 người chết và mất tích, 255 người bị thương, 1.800 nhà bị sập đổ, 36.000 nhà bị tốc mái. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính 1.741 tỷ đồng. Đặc biệt cơn bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta làm 18 người chết và mất tích, 15 người bị thương, 324 nhà bị sập đổ, 9.033 nhà bị hư hại, tốc mái. Thiệt hại về vật chất ước tính 520 tỷ đồng.

Hà Nội: Chủ động đối phó với bão lũ đến tới tận thôn, xã - Ảnh 1
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Trong các đợt thiên tai vừa qua, các Bộ, ngành và địa phương đã có sự phối hợp, chủ động và quyết liệt trong triển khai ứng phó. Tuy nhiên thiệt hại vẫn lớn, đặc biệt là thiệt hại về người.

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời các biện pháp đối phó với lũ bão tới tận thôn, xã đặc biệt là khu vực miền núi. Chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất. Kiên quyết sơ tán người ở nơi không an toàn khi có thiên tai. Bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn hoặc cấm người đi qua các ngầm, đường suối, những tuyến đường bị ngập sâu, bến đò... tăng cường tuyên truyền, phố biến không để người dân ra vớt củi trên sông, suối khi đang có lũ. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền, lòng bè nuôi trồng thủy sản tại nơi neo đậu. Kiên quyết không để người ở lại trên thuyền, lồng bè khi có bão đổ bộ. Tổ chức chằng néo nhà yếu, nhà có nguy cơ bị đổ, tốc mái trước mùa mưa bão. Tiến hành cắt tỉa cành cây. Kiểm tra, đốn bỏ những cây có nguy cơ bị gãy đổ ở các khu đô thị. Kịp thời báo cáo nhanh diễn biến thiệt hại tại địa phương khi thiên tai đang xảy ra. Sau đó tiến hành rà soát, kiểm tra số liệu thiệt hại thực tế để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Thực hiện chỉ đạo các nội dung trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Thường trực ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung các phương án phòng chống lụt bão phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường kiểm tra, đôn đốc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm thực hiện các phương án; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời xử lý, khắc phục ngay từ giờ đầu những hậu quả do mưa lũ, bão úng ngập xảy ra.