Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chủ động phục hồi kinh tế theo lộ trình

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tình hình kiểm soát dịch đang có chiều hướng cải thiện trên phạm vi cả nước, với tỷ lệ mắc mới và tử vong tại cộng đồng ở nhiều tỉnh đã giảm. Phục hồi hoạt động kinh tế, xã hội sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt là nguyện vọng và quyền lợi chung của cộng đồng DN và người dân nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội.

Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Tâm Hợp (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Việt Linh
Chủ động phương án khôi phục
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, tập trung vào tiêm phủ vaccine toàn dân, năng cao năng lực hệ thống đáp ứng, nhất là công tác xét nghiệm và điều trị…

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, chủ động có phương án khôi phục và phát triển kinh tế. Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động xã hội cần theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá, tránh tư tưởng nóng vội, lơ là, mất cảnh giác, để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, “phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm.

Đặc biệt, cần tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 24/7, Hà Nội đang ở thời điểm đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống dịch. Trên cơ sở dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số ca Covid-19 ngoài cộng đồng xu hướng giảm và yêu cầu đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch thời gian tới, bám sát các chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét xây dựng các kịch bản nới lỏng lần lượt theo lộ trình và theo quy mô một số hoạt động dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội sau ngày 21/9…

Tiếp tục những chính sách đặc thù

Phục hồi hoạt động kinh tế, xã hội sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt là nguyện vọng và quyền lợi chung của cộng đồng DN và người dân Thủ đô. Những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng địa bàn, nhóm ngành đang được xác định và lên kịch bản quán triệt và bám sát các văn bản chủ trương chỉ đạo chung của T.Ư. Đồng thời, TP cũng cần chủ động tiếp tục có những chính sách đặc thù phù hợp phân cấp quản lý Nhà nước hiện hành và thực tiễn địa phương nhằm hỗ trợ DN tái mở cửa và tái cơ cấu.

Theo đó, cần tập trung vào các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ DN thực hiện các đơn hàng, tránh để bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất thị trường. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thêm các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn để DN linh hoạt áp dụng; Làm rõ các tiêu chí, điều kiện cụ thể và thời gian DN được phép duy trì một phần hoặc toàn phần hoạt động; Hỗ trợ tối đa cho hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên cơ sở đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định hành chính và cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển liên tỉnh để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu.
Nghiên cứu hình thành các cơ sở y tế, trạm y tế tại các DN, cụm DN và nhân rộng phác đồ điều trị F0 tại nhà thành điều trị F0 tại cơ sở y tế của DN, cụm DN gắn kết với phác đồ của các cơ sở y tế cấp cao hơn. Cho phép các địa phương, DN được kết nối, sử dụng các dữ liệu thứ cấp của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, liên quan tới tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo, tầm soát y tế... Những giải pháp trên nhằm quản lý và phân loại người lao động theo các thang đánh giá mức độ an toàn trong dịch bệnh để có biện pháp quản trị, ra quyết định phù hợp…

Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế - xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển…
Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp đồng bộ, hài hòa các giải pháp hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả từ tất cả các cấp, ngành đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị; cũng như, từ sự nỗ lực, tuân thủ chung trong chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh và từ năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua các khó khăn, thách thức của từng người dân và DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.