Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chủ động, quyết liệt hơn trong cải cách hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nửa đầu năm nay, trong bối cảnh rất khó khăn do dịch Covid-19 và nhiều yếu tố tác động, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Song, để hoàn thành mục tiêu đề ra, công tác này đang đòi hỏi từng cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, chủ động hơn nữa trong tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nhiều mô hình, cách làm hay

Theo UBND TP Hà Nội, để thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, TP đã xác định cần tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) và cải thiện nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho người dân, DN, TP đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, tư pháp, thuế trên địa bàn TP; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ các cơ quan hành chính thuộc TP.

Đến hết tháng 5/2022, các cơ quan hành chính đã phê duyệt 3.431 quy trình nội bộ, trong đó 568 quy trình giải quyết công việc cấp sở, 1.666 quy trình giải quyết công việc cấp huyện, 1.055 quy trình giải quyết công việc cấp xã, 142 quy trình liên thông giải quyết công việc nội bộ. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, TTHC, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Công chức UBND huyện Thanh Trì hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Linh Nguyễn
Công chức UBND huyện Thanh Trì hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Linh Nguyễn
Cùng đó, cuối tháng 4/2022, UBND TP ban hành quyết định phê duyệt danh mục TTHC lựa chọn tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng DVC quốc gia trong năm 2022 là 928 DVC đang triển khai các nội dung, để đảm bảo đúng lộ trình hết năm nay đạt 70% tổng số DVCTT mức độ 3, 4 đủ điều kiện được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC TP.
TP cũng đổi mới bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thông qua tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số ĐVSNCL tự chủ; triển khai hệ thống đánh giá trực tuyến hằng tháng đối với đội ngũ CBCCVC, NLĐ hợp đồng. Đó chính là một trong những nội dung đột phá, trọng tâm cải cách công vụ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của TP nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Ghi nhận thực tế, 100% TTHC trên địa bàn đã được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết TTHC, đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19. Tại bộ phận một cửa (BPMC) các đơn vị trên toàn TP đã niêm yết đầy đủ số điện thoại, địa chỉ, email tiếp nhận phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn, hạn chế trong khi thực hiện TTHC. Đồng thời, TP tăng cường chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của CBCC làm việc tại đây, đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức với người dân, tổ chức, trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCC.

Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị có sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC tiếp tục được phát huy, triển khai hiệu quả. Điển hình là ban hành chỉ số đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các trường học công lập trực thuộc; triển khai sáng kiến ứng dụng CNTT trong quản lý các kỳ họp của HĐND; thí điểm thực hiện “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC “cấp GCN đăng ký hộ kinh doanh và GCN đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận” (quận Cầu Giấy); giải quyết TTHC “không chờ” trong lĩnh vực tư pháp (quận Hoàn Kiếm); sáng kiến về nhận diện khuôn mặt trong xếp hàng lấy số thứ tự giải quyết TTHC (quận Hà Đông)…

 Bà Nguyễn Thị Hải Liên (trú tại đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) đánh giá: “Máy nhận diện khuôn mặt đặt tại BPMC của UBND quận Hà Đông rất hiện đại, thuận tiện. Máy không chỉ giúp lấy số xếp hàng mà còn tiếp nhận cả thông tin người dân định làm TTHC để sắp xếp đúng thứ tự và ô cửa phù hợp, khiến tôi cảm thấy mỗi lần đến làm TTHC rất thoải mái”.

Tăng kiểm tra công vụ, nâng trách nhiệm người đứng đầu

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, 6 tháng qua, Đoàn kiểm tra CCHC của TP đã kiểm tra trực tiếp tại UBND các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hoàng Mai và 1-2 phường thuộc các quận này; Đoàn kiểm tra kiểm soát TTHC của TP kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC tại 10 quận, huyện và 20 đơn vị cấp xã trên địa bàn TP. Kiểm tra cho thấy, hầu hết đơn vị rất quan tâm công tác CCHC, song thực tế triển khai công tác này ở Hà Nội cũng thể hiện vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là, phối hợp trong giải quyết công việc, TTHC liên thông cùng cấp, theo ngành dọc chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng tới thời gian trả kết quả giải quyết TTHC, nhất là thủ tục liên quan đất đai, lao động… Đồng thời, vẫn còn hồ sơ hành chính bị giải quyết chậm, muộn; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo CCHC và chậm thực hiện nhiệm vụ CCHC được TP giao.

Công chức UBND phường Bách Khoa tiếp nhận giải quyết TTHC cho công dân: Ảnh: Linh Nguyễn
Công chức UBND phường Bách Khoa tiếp nhận giải quyết TTHC cho công dân: Ảnh: Linh Nguyễn
Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2022 TP Hà Nội đã xác định, phấn đấu chỉ số PAR INDEX nằm trong 10 tỉnh, TP đứng đầu cả nước; chỉ số SIPAS đạt tối thiểu 86%; trên 99% số hồ sơ hành chính được trả kết quả đúng hạn, trước hạn; 100% CBCCVC được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết công việc… Vì vậy, trước những hạn chế đã được chỉ rõ, theo Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách, điều hành UBND TP Lê Hồng Sơn, để đạt được các mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm 2022, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp cải thiện, nâng cao các Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PAPI, PAR INDEX và SIPAS, với những cách làm cụ thể, quyết liệt. TP sẽ tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC gắn với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đáng chú ý, UBND TP đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chú trọng đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền CCHC, nhất là về DVCTT và chuyển đổi số; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC; công bố, công khai quy định các TTHC; ban hành quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài phạm vi TTHC) của các cơ quan hành chính thuộc TP. Đặc biệt, TP sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC với lĩnh vực đất đai, đảm bảo ủy quyền triệt để cho chi nhánh trực thuộc thực hiện cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong một số trường hợp theo quy định. Tăng kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC, chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước, nhất là những vấn đề còn hạn chế trong thực hiện một cửa, một cửa liên thông, quy trình giải quyết công việc nội bộ, quy trình giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực. Từ đó, xử lý kịp thời, nghiêm minh những CBCC vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Trước mắt, TP sẽ xây dựng và triển khai ngay Đề án “Kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN trên địa bàn TP”. TP cũng nghiên cứu, dự kiến sớm xây dựng 2 mô hình: Trụ sở tiếp dân kiểu mẫu tại các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC; hỗ trợ người dân thực hiện DVC tại các địa bàn (khu đô thị, khu chung cư cao tầng; khu, cụm CN, các khu dân cư không có điều kiện hoặc ít tiếp cận với thông tin truyền thông) để hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện các DVCTT.