Hà Nội chủ động, sẵn sàng cho ngày bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Hà Thị Phương Th...

Kinhtedothi - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Hà Thị Phương Thảo trong cuộc giao lưu trực tuyến "Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 6/5 đã thông tin tới bạn đọc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức diễn ra vào ngày 22/5 tới.

TP Hà Nội chủ động, nghiêm túc, khẩn trương chuẩn bị cho công tác bầu cử

Bà Phương Thảo cho biết: “Chỉ còn 16 ngày nữa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức diễn ra, TP Hà Nội đã chủ động, nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các bước công việc, chuẩn bị cho ngày bầu cử 22/5 theo đúng quy định của Luật bầu cử. Những công việc trọng tâm từ nay đến ngày 22/5/2016 như: Tăng cường tuyên truyền về cuộc bầu cử, về tiểu sử ứng cử viên, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi cấp để cử tri được biết.

Thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử.

Có kế hoạch, phương án về giao thông, điện lực, thông tin liên lạc  đảm bảo phục vụ tốt cho cuộc bầu cử.

Tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri để vận động bầu cử.           
Các cử tri tham khảo danh sách đại biểu trước ngày bầu cử.
Các cử tri tham khảo danh sách đại biểu trước ngày bầu cử.
Tổ chức cho cử tri học tập Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, mạn đàm về cơ cấu, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, danh sách, tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.           

Tăng cường công tác kiểm tra việc chuẩn bị cho ngày bầu cử ở địa phương. Phân công cán bộ, công chức xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo cho đến khi kết thúc công tác bầu cử.
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội).
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội).
Các tổ chức phụ trách bầu cử tập huấn kỹ nghiệp vụ bầu cử như quy trình tổ chức trong ngày bầu cử, quy trình kiểm phiếu, lập biên bản, tổng hợp kết quả bầu cử… , Tổ bầu cử thông báo thường xuyên cho cử tri biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu, phát thẻ cử tri cho cử tri; bố trí và trang trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho ngày bầu cử.

Nói chung, các Tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan, tổ chức hữu quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình chuẩn bị chu đáo và làm tốt từng khâu, từng việc, sẵn sàng cho ngày bầu cử; đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn TP diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tỉ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số đại biểu, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đảm bảo quyền bầu cử của cử tri đến Hà Nội công tác hoặc du lịch

Hà Nội có rất nhiều khách du lịch cũng như những người từ nơi khác đến công tác. Chính vì thế có thể xảy ra trường hợp, một khách vãng lai đến Hà Nội trước thời gian bỏ phiếu 24 giờ và không kịp trở về địa phương nơi đã đăng ký danh sách cử tri vào đúng giờ bầu cử, mong muốn được bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội.

Để đảm bảo quyền lợi về việc nhận thẻ cử tri và bỏ phiếu tại Hà Nội, bầu các cấp, bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) thông tin: Theo quy định của Điều 34 Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định rõ những trường hợp cử tri như vậy.

Cụ thể, từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.

Do đó, cử tri đến Hà Nội công tác hoặc du lịch … mà ngày bầu cử không kịp về địa phương nơi mình cư trú để bỏ phiếu, thì cử tri cần chủ động xin Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác của UBND cấp xã nơi mình được ghi tên vào danh sách cử tri và đến UBND cấp xã nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu, xuất trình Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (bầu 2 cấp) theo quy định của Luật.

Hà Nội tạo thuận lợi cho mọi cử tri

Đối với những cử tri có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, lần đầu tiên đi bầu cử, bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, lần đầu tiên đi bầu cử bạn sẽ cảm thấy háo hức, mong đợi, vinh dự, tự hào và một chút bỡ ngỡ…. là cảm xúc của hầu hết của bạn trẻ lần đầu tiên được đi bầu cử; lần đầu đi bầu cử là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của bạn.

Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Là cử tri có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, bạn sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình thường trú và được bầu 4 cấp (được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội; bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp Thành phố, cấp huyện và cấp xã).

Trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử sẽ phát Thẻ cử tri cho cử tri. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay trừ trường hợp quy định khác của Luật; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri; khi bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.”

Đối với công dân già, ốm yếu không đi được đến địa điểm bầu cử, Bà Hà Thị Phương Thảo cho biết: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, ttrong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri  nhận phiếu bầu cử, thực hiện việc bầu cử.

Nói về những vấn đề dễ phát sinh trong ngày bầu cử để bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, bà Phương Thảo nhấn mạnh: Từ kinh nghiệm từ các kỳ bầu cử trước, để tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp đạt kết quả tốt, thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, không để phát sinh các vấn đề lớn trong ngày bầu cử, theo tôi UBBC các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho cuộc bầu cử;

- Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi diễn biến phức tạp, mọi hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

- Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo về bầu cử;

- Tăng cường công tác kiểm tra theo từng giai đoạn theo quy định của Luật bầu cử ở các địa phương;

- Chuẩn bị tốt về kinh phí phục vụ bầu cử, cơ sở vật chất, các tài liệu… phục vụ cho cuộc bầu cử

- Tập huấn kỹ nghiệp vụ cho UBBC cấp huyện, cấp xã; các Ban bầu cử, Tổ bầu cử.

- Thực hiện tốt bước công việc, thời gian quy định theo Kế hoạch của UBBC Thành phố; hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Luật bầu cử.

- Vận động cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình

- Tổ chức khai mạc, tiến hành bỏ phiếu, kiểm phiếu, tổng hợp kết quả bầu cử và xử lý các tình huống xảy ra trong ngày bầu cử đúng theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Tuyên truyền tốt để tránh tình trạng gạch đại khi bầu cử

Độc giả báo Kinh tế & Đô thị đã đặt ra câu hỏi cho bà Phương Thảo rằng: “Ngày 22/5 sẽ là ngày cử tri đi bỏ lá phiếu của mình để chọn ra người đại diện của dân. Bầu cử vừa thể hiện quyền công dân, vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cử tri. Nhưng việc cử tri không biết mặt ứng cử viên, chỉ nghe loáng tháng nên không quan tâm lắm. Rồi việc đi bầu 4 cấp, số lượng lớn, làm sao họ cân nhắc bầu người này không bầu người kia trong một thời gian ngắn, nên xảy ra tình trạng gạch đại. Vậy theo bà, làm thế nào để phát huy trách nhiệm của mỗi cử tri trước lá phiếu khi bầu cử?”

Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, trước hết phải tuyên truyền làm cho cử tri thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; để Nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia cuộc bầu cử; nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND;

Tổ chức cho cử tri học tập Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, mạn đàm về cơ cấu, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, danh sách, tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; quy trình bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử.

Ủy ban bầu cử các cấp đã niêm yết danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt (có ảnh) của các ứng cử viên tại các khu vực bỏ phiếu và sẽ gửi đến các hộ gia đình danh sách trích ngang của các ứng cử viên đại biểu Quốc Hội và HĐND Thành phố theo từng đơn vị bầu cử, để cử tri có thời gian nghiên cứu, xem xét, lựa chọn.

Ban Thường trực UBMTTQ sẽ phối hợp với UBND các cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân với cử tri để các ứng cử viên báo cáo chương trình hành động và vận động bầu cử.

Đài Phát thanh và Truyền hình Thành phố, Đài Truyền thanh các quận, huyện, thị xã, Đài truyền thành các xã, thị trấn, các đội thông tin lưu động tiếp tục  tuyên truyền về tiểu sử các ứng cử viên, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi cấp.

Ngoài ra, thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình chính là trách nhiệm xã hội lớn lao của mỗi cử tri. Do đó, tôi tin rằng các cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, tiêu biểu, đại diện cho mình vào Quốc hội và HĐND các cấp.”