Hà Nội chủ động ứng phó nguy cơ ảnh hưởng của bão số 1

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ khi bão số 1 mới ở hình thái áp thấp nhiệt đới, Hà Nội đã có công văn chỉ đạo công tác ứng phó nguy cơ ảnh hưởng. Công tác phòng, chống đang được các đơn vị chức năng rốt ráo triển khai.

Phòng ngừa úng ngập, cây xanh gãy đổ

Sáng nay (17/7), bão số 1 tiếp tục hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão sẽ còn tiếp tục mạnh lên cấp 12 - 13, giật cấp 15 trong những giờ tới.

Trong khoảng chiều nay, bão số 1 sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội).

Cắt tỉa cây xanh phòng, chống nguy cơ gãy đổ tại Hà Nội.
Cắt tỉa cây xanh phòng, chống nguy cơ gãy đổ tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Duy Du - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, trước nguy cơ ảnh hưởng của bão số 1, đơn vị đã có Văn bản số 52/BCH gửi các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành của TP về việc chủ động ứng phó với cơn bão được nhận định là rất mạnh này, cũng như những ảnh hưởng sau bão.

Tại Hà Nội, nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mưa bão luôn là nỗi lo thường trực. Chính vì vậy, công tác cắt tỉa các trường hợp có nguy cơ gãy đổ được TP chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhất là trong những ngày qua, khi có thông tin về nguy cơ ảnh hưởng của bão số 1. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã tổ chức cắt tỉa trên 150.000 cây xanh.

TP cũng đang triển khai các biện pháp công trình, phi công trình để giải quyết các điểm ngập úng cục bộ trong trường bão số 1 gây mưa lớn kéo dài. Các phương án tương ứng với kịch bản lượng mưa 50 - 70mm/giờ và trên 100mm/giờ đã được xây dựng ứng với từng điểm có nguy cơ ngập úng cục bộ.

Những ngày qua, TP cũng tập trung chỉ đạo bố trí trang thiết bị vật tư phục vụ công tác phòng, chống nguy cơ ảnh hưởng của bão số 1. Hệ thống cống trục chính cơ bản được nạo vét, duy tu duy trì bằng thiết bị cơ giới bảo thông thoáng dòng chảy, đưa nước nhanh nhất về các trạm bơm và nguồn tiêu…

Bảo đảm cuộc sống người dân trong mưa bão

Để bảo đảm an toàn về nhà ở, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện rà soát các công trình, nhất là khu vực nhà ở xuống cấp có nguy cơ sập, đổ. Phối hợp với chính quyền các quận, huyện, thị xã hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà ở phòng ngừa nguy cơ mưa to, gió lớn, giông, lốc từ bão số 1.

Đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, hiện, 30/30 quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành của TP đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói chung; có thể áp dụng vào thực tiễn để ứng phó những ảnh hưởng có thể xảy ra trong bão số 1.

Được biết, các quận, huyện, thị xã và sở, ban ngành của TP cũng đã tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị quân đội, công an. Theo đó, tổng quân số dự kiến có thể được huy động là hơn 10.000 người và 299 phương tiện, sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai trong năm 2023.

Đối với công tác khắc phục hậu quả (nếu có) trong bão số 1, TP đã phê duyệt phương án cứu trợ khẩn cấp cho cả năm 2023. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành dự trữ hàng hoá, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của 250.000 người dân trong 7 ngày liên tục, nếu bị ảnh hưởng của thiên tai nói chung, bão số 1 trước mắt nói riêng.