Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chưa xử lý được dứt điểm nhà, đất “siêu méo” tồn đọng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thủ đô còn 130 trường hợp công trình xây dựng là nhà “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh từ trước năm 2019 nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.

Căn cứ theo kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo từ các quận huyện, trên địa bàn TP Hà Nội còn 130 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng (hay còn được gọi là nhà "siêu mỏng, siêu méo"). Các trường hợp này đều phát sinh trước năm 2019, cụ thể: Ba Đình (52 trường hợp), Cầu Giấy (24), Thanh Xuân (6), Đống Đa (12), Tây Hồ (33), Hoàng Mai (1), Bắc Từ Liêm (1), Quốc Oai (1).

Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 130 công trình nhà "siêu mỏng" tồn đọng.
Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 130 công trình nhà "siêu mỏng" tồn đọng.

“Hiện cơ sở pháp lý để giải quyết trường hợp nhà, đất không đủ mặt bằng xây dựng cơ bản đã đầy đủ. Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện xử lý dứt điểm những trường hợp trên. Vì vậy, UBND các quận, huyện cần khẩn trương xử lý trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng, có báo cáo cụ thể phương án, tiến độ, kết quả giải quyết và khó khăn, vướng mắc, gửi về Sở Xây dựng Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND TP” – đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Thời gian qua, trong quá trình kiện toàn hệ thống hạ tầng đô thị hóa, đặc biệt là việc xây dựng các tuyến đường mới nên trên địa bàn Thủ đô xảy ra tình trạng những công trình nhà, đất không đủ diện tích dư thừa lại nhưng vẫn xây dựng nhà ở làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Trong đó, có có 394 trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” tại những tuyến phố: Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình); Vĩnh Tuy, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng)... hình thành trước thời điểm có Quyết định 39/2005/QĐ-TTg quy định việc xử lý các công trình xây dựng đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và 55 trường hợp ình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới sau năm 2005.

Theo đánh giá, việc sau giải phóng mặt bằng tại một số tuyến đường xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ dị là lỗi của quản lý xây dựng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ngay khi các đơn vị chức năng lên phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng đã có thể xác định được những phần diện tích nhỏ, hẹp. Thay vì lấy đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để làm vườn hoa, bảng tin… tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. Thậm chí, cần xem xét thu hồi thêm 10 – 15m phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng những ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao theo đúng quy hoạch rồi tiến hành bán đấu giá.

Tuy nhiên, trên thực tế giải pháp này cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khả thi và có khả năng sẽ phát sinh thêm những hệ lụy. “Nếu tiến hành thu hồi phần diện tích không đủ điều kiện xây dựng sẽ làm gia tăng chi phí đầu tư dự án. Đồng thời, đối với phần diện tích nhỏ không đủ để làm hạ tầng công cộng (vườn hoa, cây xanh...) sẽ lại xảy ra tình trạng lấn chiếm sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lại gặp khó khăn trong công tác xử lý” - đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm.