Hà Nội: Chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng nông sản

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuỗi giá trị nông sản đang cho thấy những lợi thế lớn. Đây cũng là giải pháp hướng đến chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong mọi tình huống.

“Sống khỏe” nhờ liên kết chuỗi
Trên diện tích hơn 1,2ha, những năm qua, thành viên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) đã hùn vốn, xây dựng hệ thống canh tác rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới tự động. Hai kho lạnh, nhà bảo quản, sơ chế cũng được xây dựng, bảo đảm an toàn chất lượng cho rau an toàn từ nông trại đến bàn ăn.
Chuỗi liên kết ''sống khỏe'' trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết, rau an toàn của HTX với thương hiệu Vinasafl được thị trường đón nhận tích cực. Nhờ có liên kết với hệ thống phân phối nên việc tiêu thụ hết sức thuận lợi. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất - tiêu thụ nhưng HTX vẫn “sống khỏe”, thậm chí nhiều thời điểm không có đủ rau an toàn để bán.
Hộ kinh doanh thực phẩm sạch Từ Tâm ở quận Thanh Xuân cũng đang vận hành tốt trong bối cảnh dịch do đã liên kết từ nhiều năm nay với hệ thống phân phối, bán lẻ rộng khắp trên địa bàn Hà Nội. Cơ sở bảo đảm nguồn cung và chất lượng nông sản, trong khi đơn vị phân phối duy trì việc tiếp nhận hàng hóa với mức giá ổn định.
Trong khi các chuỗi liên kết phát huy lợi thế kinh doanh giữa bối cảnh dịch Covid-19 thì sản xuất nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn, điển hình như tại vựa rau xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Sản lượng cung ứng của nông dân nơi đây vào hệ thống phân phối còn rất hạn chế. Bà con chủ yếu vẫn tự sản, tự tiêu. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch, nhất là giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách, việc tiêu thụ tại các điểm chợ khó khăn, giá cả rau màu tại vựa rau xã Tráng Việt cũng giảm sâu.
Thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng
Việc sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong chuỗi giá trị được duy trì tương đối ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ở đó, khâu cuối của chuỗi giá trị cũng đang có những vận động để thích ứng với điều kiện mới. 
Công ty CP Đầu tư Hanofarm là một trong những đơn vị phân phối nông sản, thực phẩm khá lớn tại Hà Nội. Trước giai đoạn TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị chủ yếu tiêu thụ qua hệ thống 4 cửa hàng tiện tích tại các quận nội đô. Dù vậy, việc tiêu thụ hiện đã có sự thay đổi. 
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hanofarm Tô Đức Minh cho biết, trước đây gần như 100% khách hàng đến 4 cửa hàng mua sản phẩm trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 5 - 10% mua trực tiếp, thay vào đó là mua qua kênh thương mại điện tử. “Hanofarm nhận, chốt đơn và thanh toán đều qua hình thức online. Chúng tôi cũng xây dựng đội ngũ shipper vận chuyển hàng hóa đến tận nơi cho khách hàng, bảo đảm giãn cách xã hội và quy định phòng, chống dịch Covid-19” - ông Tô Đức Minh cho hay.
Một đơn vị phân phối khác cũng đang “ăn nên làm ra” trong bối cảnh dịch là Công ty CP Ubofood Việt Nam. Giám đốc Công ty CP Ubofood Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết, thực tế việc chuyển đổi sang hình thức bán hàng online là giải pháp mới được DN nghĩ đến trong bối cảnh dịch bùng phát nhưng hơn một tháng qua đã cho thấy những lợi thế lớn trong việc tiếp cận và mở rộng khách hàng.
Nếu như kinh doanh theo phương thức truyền thống, mỗi hệ thống bán lẻ chỉ tiếp cận được với một nhóm khách hàng ở khu vực cửa hàng đứng chân, thì nay với hình thức kinh doanh online, các đơn vị phân phối có thể mở rộng khách hàng ra địa bàn toàn TP… Để làm được điều này, các đơn vị đều chủ động hệ thống vận chuyển (shipper) bảo đảm tiện ích tối đa dành cho người tiêu dùng…
Cùng với sự chủ động của các đơn vị phân phối, thời gian qua các sở, ngành của Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ duy trì các chuỗi cung ứng nông sản cho người dân Thủ đô. Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong một tháng qua, đơn vị đã hỗ trợ khoảng 60 tổ chức, DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận phương thức bán hàng online, livestream.
“Không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội, đây hoàn toàn có thể là giải pháp tiêu thụ nông sản về lâu dài trong bối cảnh tiếp cận của người dân đang có sự thay đổi lớn” - ông Chí cho hay.
Ổn định nguồn cung trong mọi tình huống
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện đã xây dựng được 141 mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Trong đó, có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật và 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Các mô hình liên kết hiện nay đã cho thấy những lợi thế lớn trong bối cảnh dịch bệnh.
Ở khía cạnh rộng hơn, chuỗi liên kết còn tạo chuyển biến tích cực, giúp thay đổi phương thức sản xuất của người dân, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản. Đặc biệt là bảo đảm thị trường ổn định cho nông sản, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá. Đây là cũng là định hướng mà ngành nông nghiệp Hà Nội hướng đến trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng.
Mặc dù đã và đang phát huy lợi thế lớn, tuy nhiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, việc phát triển các liên kết chuỗi hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định. Việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn hiện còn nhiều trở ngại. Thêm nữa, vốn đầu tư cũng sẽ là rào cản lớn đối với việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, bởi thực tế chỉ có nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể tiếp cận được với chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong chuỗi giá trị hàng hóa, khâu tiêu thụ cũng hết sức quan trọng. Nếu việc tiêu thụ khó khăn, chuỗi sản xuất cũng sẽ dễ  bị đứt gãy. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa các hình thức bán hàng thông qua các phương thức online, livestream là giải pháp hữu hiệu, cần được tính đến về lâu dài.
Không chỉ sản xuất an toàn, việc hình thành các các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ ổn định còn là giải pháp hướng đến chuyên nghiệp hóa nông nghiệp của Hà Nội. Điều này sẽ bảo đảm chuỗi cung ứng nông sản ổn định cho người tiêu dùng Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn rất khó lường hiện nay.
"Chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng là đòi hỏi đặt ra nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho nông sản, đáp ứng thị hiếu ngày một cao và nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi tình huống. Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở ngành, địa phương thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất - tiêu thụ; từng bước xây dựng kế hoạch, thí điểm triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp để nhân rộng…" - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.