Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có 9 cơ sở xử lý chất thải rắn thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030, đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp 18 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, trong đó thành phố Hà Nội 9 cơ sở, tỉnh Nam Định 5 cơ sở, tỉnh Hòa Bình 2 cơ sở, tỉnh Hà Nam 2 cơ sở.

Ước tính vốn đầu tư triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 khoảng 7.600 tỷ đồng.

Phạm vi quy hoạch diện tích lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và một phần ranh giới hành chính của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Nam Định và thành phố Hà Nội với tổng diện tích khoảng 7.665 km2.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Quy hoạch đặt chỉ tiêu năm 2020, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị 95%, nông thôn 70%; chất thải rắn xây dựng 80%; chất thải rắn công nghiệp, làng nghề thông thường khoảng 80-90%, chất thải rắn nguy hại (công nghiệp, làng nghề) khoảng 70-80%.

Đến năm 2030, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị nâng lên 100%, nông thôn 90%; chất thải rắn xây dựng 90%; chất thải rắn công nghiệp, làng nghề thông thường và chất thải rắn nguy hại (công nghiệp, làng nghề) đều đạt 100%.

Chất thải rắn toàn lưu vực được phân vùng thu gom, vận chuyển theo phạm vi phục vụ của các trạm trung chuyển, cơ sở xỷ lý chất thải rắn theo từng địa bàn. Trong đó Hà Nội được phân thành 3 vùng thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, các tỉnh còn lại mỗi tỉnh được phân thành 1-3 vùng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn có bán kính phục vụ phù hợp.

Về quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn, bố trí các cơ sở xử lý chất thải rắn ở ngoài phạm vi đô thị, cuối hướng gió chính, cuối dòng chảy của sông suối và được trồng cây xanh cách ly, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành nhằm bảo vệ nguồn nước trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thông qua các giải pháp về mặt công nghệ, lộ trình đóng cửa, xây dựng mới các cơ sở xử lý chất thải rắn.

Các địa phương cần rà soát, xây dựng và thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu đang gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy như: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác, chuyển đổi công nghệ, hạn chế chôn lấp, đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, thực hiện quan trắc và giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn; nâng cấp, cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn lưu vực.

Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025 (tại Quyết định 170/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ).