Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động với mức lương cao

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tuy thị trường lao động Hà Nội bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, giá nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao nhưng có những tín hiệu hết sức tích cực như vẫn có nhiều DN tuyển dụng lao động với mức lương cao. TP Hà Nội đã có những giải pháp để ổn định thị trường lao động.

Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động Hà Nội

6 tháng đầu năm 2023, TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 113.418 lao động, đạt 70% kế hoạch giao trong năm. Tuy nhiên, số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm nhẹ (4,5%) so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do sự tác động từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao dẫn đến giảm số việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023.

Hà Nội tạo nhiều cơ hội việc làm dành cho sinh viên, người lao động. 
Hà Nội tạo nhiều cơ hội việc làm dành cho sinh viên, người lao động. 

Chia sẻ về thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi các yếu tố, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Những tháng đầu năm 2023, các DN trên địa bàn TP đã nỗ lực rất nhiều. Tuy thị trường lao động Hà Nội bị ảnh hưởng nhưng cũng có những tín hiệu hết sức tích cực. Điều này thể hiện ở các DN vẫn đăng ký với Trung tâm DVVL Hà Nội để tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đơn cử, Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam – Chi nhánh Zettaplex tuyển dụng 161 chỉ tiêu cho nhiều vị trí việc làm với mức lương từ 5,5 - 14 triệu đồng/tháng, Công ty CP Bellsytem24- Hoasao tuyển 90 chỉ tiêu, mức lương từ 6 – 18 triệu đồng/tháng. Công ty CP Nhân lực hàng không Tasseco tuyển sinh và tuyển dụng 95 chỉ tiêu, mức lương 8 – 20 triệu đồng/tháng. Công ty CP Mediamart Việt Nam tuyển dụng 92 chỉ tiêu, lương từ 6 – 13 triệu đồng, tùy theo từng vị trí làm việc…. Và nhiều DN khác có nhu cầu tuyển dụng lao động với mức lương cao tới 20 – 30 triệu đồng, cùng các chế độ hấp dẫn khác…

Sinh viên, người lao động đăng ký tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức trên địa bàn các quận, huyện ở Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 
Sinh viên, người lao động đăng ký tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức trên địa bàn các quận, huyện ở Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 

Ngoài ra, nhiều DN được thành lập mới có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP và trực tiếp là Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục có những hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm để hỗ trợ DN và người lao động nhanh chóng tìm được công việc, nguồn lao động. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm, với 3.653 đơn vị, DN tham gia có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 60.034 người.

Mang việc làm đến từng tổ dân phố, người dân

Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là các DN xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ,… Để ổn định thị trường lao động Thủ đô, Sở LĐT&XH Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch thu tập thông tin thị trường lao động năm 2023. Qua đó để làm cơ sở quản lý nguồn nhân lực, đề xuất các chính sách về lao động, việc làm và phát triển nhân lực; xác định hướng đào tạo, dạy nghề phát triển nguồn nhân lực và kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực...

Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức Ngày hội giao dịch việc làm, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên quận Tây Hồ năm 2023. 
Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức Ngày hội giao dịch việc làm, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên quận Tây Hồ năm 2023. 

Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động. Đồng thời, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm. Thông tin về các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm của Trung tâm DVVL Hà Nội, ông Quang Thành cho biết: Chúng tôi sẽ trình lãnh đạo Sở tiếp tục chỉ đạo việc nắm bắt thị trường lao động để giải quyết việc làm cho người lao động đạt kết quả tốt nhất. Trung tâm phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức những phiên giao dịch việc làm lưu động; qua đó mang thông tin thị trường lao động đến từng tổ dân phố, từng người dân.

Cùng với đó, là tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, chuyên đề, kết nối với các tỉnh… Đối với lực lượng lao động đến các sàn giao dịch việc làm làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đều được cán bộ tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp để nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Nhiều người lao động ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm năm 2023. Ảnh: Trần Oanh. 
Nhiều người lao động ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm năm 2023. Ảnh: Trần Oanh. 

Các địa phương đóng vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, cũng là thực hiện chính sách an sinh cho người dân. Thời gian qua nhiều quận, huyện đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, quận Long Biên giải quyết việc làm cho hơn 6.000 người; quận Tây Hồ tạo việc làm cho 4.532 người; huyện Gia Lâm giới thiệu việc làm cho 4.837 người... Để thực hiện đạt kế hoạch giải quyết việc làm 6 tháng cuối năm, các quận, huyện tiếp tục thu thập dữ liệu cung - cầu lao động; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp thu hút DN đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tạo cơ chế thông thoáng thu hút các DN đầu tư; phát triển các làng nghề truyền thống; gắn kết với các sàn giao dịch việc làm vệ tinh để giới thiệu công việc cho người lao động…

Khi DN khỏe và hoạt động tốt thì người lao động mới có việc làm. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước, TP Hà Nội rất cần có những giải pháp về chính sách về đầu tư, sự chuyển hướng phát triển kinh tế phù hợp. Về phía các DN tiếp tục tìm kiếm các nguồn hàng ở thị trường mới để đảm bảo tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.