Hà Nội công bố Chỉ số cải cách hành chính:Sở LĐTB&XH, quận Hoàn Kiếm đứng đầu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sở Lao động-Thương binh &Xã hội và UBND quận Hoàn Kiếm đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND quận, huyện, thị xã - đó là kết quả được công bố tại Hội nghị sáng nay, 23/3, do UBND TP Hà Nội tổ chức.

Sáng nay, 23/3, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã.

Dự Hội nghị có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; các Phó Chủ tịch UBND TP: Hà Minh Hải, Vũ Thu Hà. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thuộc TP.

Quang cảnh Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã do UBND TP Hà Nội tổ chức
Quang cảnh Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã do UBND TP Hà Nội tổ chức

Những cải thiện rõ nét

Tại đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC của TP trình bày báo cáo kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã, cho hay: Qua nghiên cứu, đánh giá cho thấy, công tác CCHC năm 2022 của TP Hà Nội đã có sự cải thiện rõ nét. Thứ nhất, kết quả chỉ số CCHC trung bình cả hai khối Sở và khối Huyện đều tăng so với năm 2021: Ở Khối Sở, kết quả trung bình năm 2022 là 85,73%, tăng 3,78% so với năm 2021; ở khối Huyện, kết quả trung bình năm 2022 là 92,75%, tăng 2,2% so với năm 2021. Trong đó, kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 tăng ở cả 2 khối (ở cả điểm thẩm định và điểm điều tra xã hội học-XHH) thể hiện nỗ lực và tiến bộ của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện chất lượng công tác CCHC của TP, được các đối tượng bị tác động đánh giá cao, người dân và DN ghi nhận.

Thứ hai, có nhiều trục nội dung có Chỉ số CCHC trung bình năm 2022 tăng so với năm 2021: Đối với khối Sở, 4/8 nội dung có kết quả tăng là xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; công tác chỉ đạo điều hành CHCC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Với khối Huyện, 5/8 nội dung có kết quả tăng là xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; công tác chỉ đạo, điều hành CHCC; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); cải cách tài chính công; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL. Có 3 trục nội dung ghi nhận tăng đều ở cả 2 khối (công tác chỉ đạo điều hành CHCC, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL, xây dựng chính quyền điện tử - chính quyền số).

Thứ ba, khối Sở, cơ quan tương đương Sở có nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác CCHC nói chung, khi mức độ tăng Chỉ số trung bình so với năm 2021 của khối Sở tăng cao hơn khối Huyện (khối Sở tăng 3,78%, khối Huyện tăng 2,2%), cho thấy nỗ lực của các sở trong công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, cũng như trong công tác tham mưu cho TP triển khai các nhiệm vụ CCHC theo từng ngành, lĩnh vực.

Các đại biểu dự Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội
Các đại biểu dự Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội

Tuy nhiên, ông Mai Xuân Trường cũng chia sẻ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong kết quả Chỉ số CCHC của TP năm 2022, đó là: Một số sở, cơ quan tương đương sở và UBND quận, huyện, thị xã chưa thực hiện tốt việc tự đánh giá, chấm điểm, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu kiểm chứng, số liệu đánh giá chưa đúng thực trạng tại đơn vị, cho thấy chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai các hoạt động theo dõi, đánh giá chỉ số CCHC để có những quyết sách kịp thời trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, vẫn có những trục nội dung có kết quả giảm so với năm trước: Ở khối Sở, 4/8 nội dung có kết quả giảm (cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; cải cách tài chính công tác động CCHC đến phát triển KT-XH của TP). Với khối Huyện, 3/8 nội dung có kết quả giảm (cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; tác động CCHC đến phát triển KT-XH của TP). Trong đó, có 2 nội dung đều có kết quả giảm sút ở cả khối Sở và khối Huyện, đó là cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tác động CCHC đến phát triển KT-XH của TP; trong công tác Cải cách tài chính công ở khối Sở giảm sút. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tại khối Huyện, dù kết quả điều tra XHH tại nội dung này tăng, nhưng điểm thẩm định lại giảm; một số đơn vị thực hiện chưa tốt nhiệm vụ thực hiện quy định về quản lý biên chế, nhất là biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN.

Cùng đó, nội dung “Công tác chỉ đạo điều hành CHCC” và “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số” tuy có tiến bộ nhưng kết quả thấp so với trung bình chung: Ở khối Sở, kết quả trung bình đạt 85,73%; ở khối Huyện, kết quả trung bình đạt 92,75%. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số cần tiếp tục được quan tâm, tập trung nguồn lực trong năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu đã công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu đã công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã

Hơn nữa, theo ông Mai Xuân Trường, nhiều cơ quan, đơn vị có đăng ký và triển khai sáng kiến, mô hình mới về CCHC trong năm 2022, song nhiều sáng kiến mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng hoặc thí điểm tại một đơn vị trực thuộc, hoặc một đơn vị cấp xã; chưa được đánh giá tính hiệu quả trong áp dụng thực tiễn, cũng như chưa được nghiên cứu để triển khai nhân rộng trong toàn ngành (với cấp sở) hoặc toàn địa bàn (với cấp huyện).

 

Sau phần tham luận của một số sở, UBND cấp huyện, tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu đã công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 91,68%, trong đó: Điểm thẩm định đạt 62,25; điểm điều tra XHH 27,14 - tổng điểm 89,39. Đứng thứ hai là Sở Nội vụ với kết quả Chỉ số CCHC 91,59%; đứng thứ ba là Sở Tài chính với 90,57%. Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng này là Sở Thông tin và Truyền thông, với 80,9%.

Quận Hoàn Kiếm vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 của UBND các quận, huyện, thị xã, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 96,08%, trong đó: Điểm thẩm định đạt 64,43; điểm điều tra XHH 29,73 - tổng điểm 94,16. Đứng thứ hai là quận Nam Từ Liêm vơi kết quả Chỉ số CCHC 95,39%; đứng thứ ba là quận Long Biên với 94,46%. Đứng cuối trong bảng xếp hạng này là huyện Ứng Hòa với kết quả 88,86%.

Mạnh dạn thí điểm, nhân rộng các mô hình cải cách mới, đột phá

Từ kết quả đạt được và một số hạn chế đó, để công tác CCHC ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Hội đồng thẩm định kiến nghị Thành ủy, UBND TP chỉ đạo các sở, UBND cấp huyện bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn của CCHC để đề ra các giải pháp cụ thể tổ chức triển khai hiệu quả công tác CCHC thuộc phạm vi quản lý, tạo đột phá trong CCHC năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên rà soát, tăng cường đổi mới, sáng tạo và mạnh dạn triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình cải cách mới, có tính đột phá để kịp thời tháo gỡ rào cản cơ chế, chính sách, giúp phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH; nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả chỉ số CCHC hàng năm trong công tác quản lý điều hành và theo dõi, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; có biện pháp cụ thể khắc phục những hạn chế yếu kém trong CCHC, nhất là hạn chế diễn ra trong thời gian dài.

TP cũng cần chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thông tin tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung và kết quả CCHC tại các sở, UBND cấp huyện, nhất là các gương sáng điển hình, mô hình cải cách mới hay, những giải pháp, sáng kiến cải cách có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính cho công tác CCHC, đặc biệt trong những lĩnh vực trọng tâm, đột phá; tăng cường kiểm tra CCHC tại các sở, UBND cấp huyện.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở thuộc TP Hà Nội
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, cơ quan tương đương sở thuộc TP Hà Nội

Với các sở và UBND các quận, huyện, thị xã, Hội đồng kiến nghị trên cơ sở kết quả Chỉ số CCHC đã công bố, các sở, UBND cấp huyện sớm tổ chức hội nghị rà soát, phân tích và đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai và kết quả chỉ số CCHC năm 2022 theo từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần; xác định rõ những tồn tại, hạn chế, ban hành các biện pháp khắc phục và nâng cao hiệu quả CCHC. Đồng thời, cần chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị; thường xuyên đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị; chủ động nghiên cứu, thí điểm hoặc nhân rộng những mô hình cải cách mới hiệu quả, phù hợp với phạm vi, thẩm quyền được giao.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội

“Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, thông qua tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC một cách hiệu quả, thực chất; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC mới, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Đồng thời, tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phù thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; kịp thời  giải quyết phản ánh kiến nghị về các quy định TTHC, tránh gây búc xúc trong Nhân dân; tăng kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm CBCCVC có hành vi nhũng nhiễu, yêu cầu người dân, tổ chức nộp thêm giấy tờ ngoài quy định khi giải quyết TTHC”- Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.