Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở QH –KT Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông vừa tổ chức lễ công bố quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, tỷ lệ 1/500, thuộc địa bàn 3 phường: Hà Cầu, Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông Chu Mạnh Hà cho biết, theo đồ án quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2023, tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 95ha. Trong đó phường Hà Cầu có diện tích khoảng 33,98ha, phường Kiến Hưng có diện tích khoảng 62,03ha.
Khu đất có ranh giới phía Đông Bắc giáp dự án đầu tư nhà ở công vụ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và khu đất của hợp tác xã nông nghiệp Hà Trì. Phía Tây Bắc giáp trung tâm hành chính quận Hà Đông và khu vực dân cư phường Hà Cầu. Phía Đông giáp khu dân cư của phường Kiến Hưng và khu đất dịch vụ của phường Kiến Hưng. Phía Tây giáp với khu đô thị mới Văn Phú.
Mục tiêu của việc lập quy hoạch là nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, phù hợp với định hướng Quy hoạch phân khu đô thị S4, tỷ lệ 1/5000.
Tạo lập một không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của Thành phố. Nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân, cải thiện vi khí hậu, đồng thời tạo tiền đề cho việc nâng cao thể chất, tinh thần, sức khỏe cho dân cư khu vực
Tạo lập trục không gian kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn đô thị, hài hòa với các tuyến đường lớn, các dự án đầu tư lân cận và các khu vực dân cư hiện hữu xung quanh. Tổ chức không gian cảnh quan gắn với văn hóa - lịch sử địa phương. Khớp nối đồng bộ về tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật khu vực xây dựng với khu vực hiện có.
Về các chức năng sử dụng đất, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, đất đường giao thông theo quy hoạch nằm ngoài Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 23.088m2, chiếm 2,43%. Đất di tích có diện tích khoảng 1.687m2, chiếm 0,18%. Đất văn hóa có diện tích khoảng 734m2, chiếm 0,08%.
Đất Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 924.619m2, chiếm 97,32% . Trong đó, đất khu công viên văn hóa, hồ nước, cây xanh có diện tích khoảng 467.199m2 (diện tích mặt nước khoảng 35ha), mật độ xây dựng gộp tối đa khoảng 0,53%. Đất khu chức năng công viên vui chơi giải trí (công viên chuyên đề) có diện tích khoảng 231.173m2, mật độ xây dựng gộp tối đa khoảng 8,03%. Đất khu chức năng thể dục thể thao có diện tích khoảng 226.247m2, mật độ xây dựng gộp tối đa khoảng 11,11%
Về giải pháp quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu công viên được nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên của khu công viên cây xanh, hồ nước với các công trình kiến trúc. Ý tưởng thiết kế lấy mặt nước là trung tâm, các hướng tiếp cận chính dẫn vào các trục không gian chính của công viên và công trình điểm nhấn nằm tại vị trí giao điểm của các trục chính.
Trên các trục chính đều được thiết kế các quảng trường với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Quảng trường vừa là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, lễ hội, vui chơi giải trí vừa là nơi để Nhân dân dạo bộ, giao lưu cộng đồng.
Các quảng trường được thiết kế gồm sân vườn đường dạo, trồng nhiều cây xanh kết hợp với vật liệu ốp lát theo các chủ đề và xử lý không gian bằng các cao độ khác nhau vừa tăng sức hấp dẫn cho người đi bộ vừa tạo các không gian mở trong chuỗi kết nối liên hoàn giữa các chức năng chính của công viên.
Hồ nước trong công viên có chức năng vừa là hồ điều hòa vừa tạo cảnh quan và nằm trong hệ thống kết nối hệ thống cây xanh mặt nước của công viên với mặt nước, cây xanh trong khu vực.
Trong các khu cây xanh bố trí các đường dạo tạo sự thay đổi về không gian, hướng nhìn tăng sự hấp dẫn cho khách tham quan, vui chơi giải trí. Kết hợp giữa đường đi dạo và các khoảng sân mở rộng làm nơi nghỉ chân tập trung, ngắm cảnh.
Phối kết các loại cây xanh và yếu tố thiên nhiên như mặt nước, đồi núi non bộ nhân tạo, tạo nên những tiểu cảnh hấp dẫn và có đặc trưng riêng cho từng khu vực. Ngoài cây xanh và yếu tố thiên nhiên, kết hợp bố trí các công trình kiến trúc nhỏ như chòi nghỉ, ghế đá, quán dịch vụ... phục vụ khách tham quan.