Thí sinh làm quen với phiếu gửi đồ
Điểm mới trong công tác tổ chức Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2022- 2023 tại Hà Nội được các điểm thi đặc biệt lưu ý trong triển khai thực hiện, đó là vật dụng, đồ dùng thí sinh không được phép mang vào phòng thi phải được đặt cách phòng thi tối thiểu 25m.
Đây là nhiệm vụ khó, tạo nhiều trăn trở và thách thức cho các điểm thi tại Hà Nội nhưng với tinh thần sáng tạo và linh hoạt, 100% điểm thi đã tìm ra phương án phù hợp, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh việc quán triệt, khuyến khích thí sinh không mang vật dụng không cần thiết đến trường thi, các điểm thi đều bố trí khu vực trông giữ đồ của thí sinh và có phân công người hướng dẫn, bảo quản, phụ trách việc nhận/trả đồ. Tùy vào điều kiện, từng điểm thi sẽ có cách thức triển khai khác nhau với mục đích hướng đến là đảm bảo thực hiện đúng quy định, không để xảy ra mất/thất lạc đồ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), hai phòng gửi đồ của thí sinh được bố trí ở các phòng học tăng cường thuộc dãy nhà nằm ngay sát cổng chính- đảm bảo cách các phòng thi tối thiểu 25m. Khi thí sinh đến điểm thi sẽ được tình nguyện viên và lực lượng bảo vệ hướng dẫn sang khu vực gửi đồ; các nhân viên quản lý đồ gửi, tình nguyện viên trực sẵn phục vụ thí sinh. Mỗi thí sinh gửi đồ sẽ được phát phiếu ghi số; số phiếu này cũng được dán lên đồ gửi; sau khi hết giờ, các em xuống đây để nhận lại đồ của mình.
Với điểm thi trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), mỗi phòng thi chuẩn bị tối thiểu một túi nilon trắng loại 20kg, thí sinh sẽ bỏ vật dụng, tư trang cá nhân của mình vào đó. Một cán bộ coi thi và một thí sinh sẽ niêm phong túi nilon (kèm chữ ký) và giao cán bộ giám sát phòng thi để chuyển xuống nhà thể chất. Tại đây có chuẩn bị các thùng carton và ghi rõ số phòng thi; túi nilon của phòng nào sẽ để đúng phòng đó. Sau khi hết giờ, cán bộ giám sát sẽ mang túi nilon của thí sinh lên đúng phòng thi ban đầu để trả đến từng em.
Với lợi thế diện tích rộng, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông) dễ dàng xử lý khâu bảo quản vật dụng của thí sinh khi bố trí 40 bàn để đồ cho thí sinh ở khu vực có mái che ở sân trường. Mỗi chiếc bàn được đánh số tương ứng số phòng của thí sinh. Tại đây, có tình nguyện và lực lượng giám sát túc trực làm nhiệm vụ nhận và bảo quản đồ. Trước khi thí sinh lên phòng thi sẽ rẽ qua khu vực này, tìm đúng số bàn và gửi đồ theo hướng dẫn. Công tác gửi đồ được thực hiện nhanh gọn, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh.
Những việc làm giàu ý nghĩa trong các khâu tổ chức thi
Cơ sở vật chất trường thi có vị trí quan trọng đối với kỳ thi. Tại mỗi điểm thi có một Phó điểm trưởng phụ trách cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ quản lý, rà soát các khâu chuẩn bị theo yêu cầu. Trước kỳ thi, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi TP đã kiểm tra từng khâu, yêu cầu bổ sung trang thiết bị để đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định.
Một trong những yêu cầu trọng tâm của kỳ thi là cán bộ làm thi phải nắm vững quy chế thi để phổ biến đến thí sinh và thực hiện đúng. Các văn bản hướng dẫn của Bộ, TP, Sở đã được gửi đến cán bộ, giáo viên và các lực lượng tham gia làm thi để nghiên cứu; các thành phần được tham gia hội nghị phổ biến quy chế thi; tại các điểm thi cũng tổ chức học tập quy chế trước khi kỳ thi chính thức diễn ra và trước mỗi buổi thi. Sự cẩn trọng này góp phần nâng cao trách nhiệm của các bộ phận làm thi, đảm bảo cán bộ coi thi và các bộ phận tại điểm thi thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ được giao.
Sau ba ngày diễn ra kỳ thi, ghi nhận chung tại các điểm thi đều đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra cháy nổ; công tác phân luồng giao thông ổn định, đảm bảo thông thoáng lòng đường, vỉa hè, không xảy ra hiện tượng ùn tắc trước cổng và xung quanh các điểm thi trong thời điểm phụ huynh đón con ra về.
Ban Chỉ đạo thi địa phương cũng phân công thành viên phụ trách theo dõi, ứng trực bên ngoài các điểm thi. Các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau giờ thi nghiêm túc; trong suốt thời gian thi không để xảy ra mất điện hay sự cố về điện. Lực lượng thanh niên tình nguyện, bảo vệ, tự quản… hỗ trợ nhiệt tình, chu đáo, tạo cho phụ huynh cảm giác tin cậy, giúp giảm bớt lo lắng, căng thẳng của kỳ thi. Đặc biệt, các phụ huynh được đón tiếp và bố trí nghỉ tại điểm chờ với hệ thống bàn ghế, quạt mát. Những việc làm dù nhỏ nhưng giàu ý nghĩa của các bộ phận hỗ trợ kỳ thi đều được thí sinh, phụ huynh và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thống kê tại các buổi thi ghi nhận: 185 thí sinh diện F0, trong đó có 41 thí sinh diện F0 tự nguyện tham gia kỳ thi. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và làm tốt công tác phòng chống dịch, mỗi điểm thi đã bố trí 2 phòng thi dự phòng; các thí sinh F0 được thi ở phòng thi riêng. Văn bản hướng dẫn liên ngành Sở Y tế- GD&ĐT đã nêu rõ các bước xử lý đối với điểm thi có thí sinh diện F0 dự thi, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ coi thi cũng nêu cách thực hiện các nội dung coi thi, nộp bài, niêm phong bài thi… của phòng thi có F0 để đảm bảo công tác phòng dịch, quyền lợi của thí sinh và sự minh bạch của kỳ thi.
16 giờ 30 ngày 20/6, sau khi thí sinh hoàn tất thi các môn chuyên, Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đã kết thúc ở khâu coi thi, chuyển qua khâu chấm thi. Dự kiến, chậm nhất ngày 9/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm các bài thi của thí sinh trên Cổng thông tin điện tử của Sở (http://hanoi.edu.vn); đồng thời cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển vào các trường THPT năm học 2022-2023.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh TP năm 2022 Trần Thế Cương thì Kỳ thi vào lớp 10 THPT luôn nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ban ngành đoàn thể từ TP đến cơ sở. Với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng trên quan điểm tất cả những gì tốt nhất đều dành cho các điểm thi và thí sinh, thành công của khâu tổ chức thi đến từ tinh thần nỗ lực, quyết tâm của các bộ phận và đây là tiền đề để TP tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong thời gian tới.