Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP cho biết, công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 đã có sự điều chỉnh kịp thời, linh hoạt bám sát sự chỉ đạo của T.Ư và TP để tham mưu UBND TP xây dựng, ban hành các văn bản và triển khai theo đúng nhiệm vụ đã đề ra. Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung đáp ứng phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP; đặc biệt là tuyên truyền, PBPGPL về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh Covid -19 phù hợp với từng nhóm đối tượng mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật nói chung, về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng của cán bộ và Nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, các đơn vị cấp TP tích cực tuyên truyền pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2022 gồm: Ủy ban MTTQ TP, LĐLĐ TP, Hội LHPN TP, Thành Đoàn Hà Nội, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia TP; Sở Tư pháp, Công an TP, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở TT&TT, Sở GD&ĐT, Sở Y tế.
30/30 quận, huyện, thị xã đều tích cực tuyên truyền pháp luật và các văn bản pháp luật của T.Ư và TP. Các đơn vị đã tích cực tuyên truyền 6 tháng đầu năm gồm: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên, Cầu Giấy, Sơn Tây, Quốc Oai, Gia Lâm, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ, Thường Tín.
Theo Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, Thành ủy, UBND TP và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt. Công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở góp phần bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn TP, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” của Thành phố là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ổn định phát triển kinh tế, thực hiện chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và trạng thái “bình thường mới”.
Hội đồng PHPBGDPL TP đã chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 và các lĩnh vực pháp luật liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn TP như giao thông, môi trường, cải cách hành chính, mô hình chính quyền đô thị, trật tự an toàn xã hội, ứng xử trên môi trường mạng... Cùng đó, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã thể hiện tốt vai trò tham mưu. Nhiều đơn vị sở, ban, ngành TP đã tích cực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL…
Tuy nhiên, lãnh đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP nhận xét, việc phối hợp với các doanh nghiệp sở hữu màn hình điện tử tại các tòa nhà cao tầng, khu đô thị để tuyên truyền phổ biến pháp luật còn hạn chế. Một số quận, huyện và nhiều xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí để triển khai công tác PBGDPL còn hạn chế. Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở thấp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Mức hỗ trợ kinh phí cho hòa giải viên ở cơ sở còn thấp...
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế
Tại hội nghị, các ý kiến đánh giá, các tổ hòa giải đã làm tốt công tác hòa giải, giải quyết được nhiều việc ngay từ tổ dân phố. Trong công tác hòa giải, nếu có luật sư hỗ trợ, đề án về công tác hòa giải sẽ đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, khi tham gia các vụ việc ở cơ sở, hòa giải không thành chưa được hỗ trợ, chi trả tiền thù lao như hòa giải thành; do đó, cần phải có sự động viên kịp thời đối với các hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải. Ngoài ra, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cũng đề xuất tích cực truyền thông chính sách; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, quy định mới…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, đối với những khó khăn, vướng mắc về thể chế, TP có thể vận dụng chính sách đặc thù trong phạm vi thẩm quyền, do đó, Sở Tư pháp phải chủ động rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi chính sách trong thẩm quyền TP.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì đề án về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội; truyền thông về tác động của các văn bản của T.Ư và TP, giải thích cho người dân hiểu, tạo đồng thuận trong tổ chức, thực hiện. Cùng với đó, bổ sung thêm đề án của Hội LHPN TP về chống bạo lực gia đình, xâm phạm trẻ em; Đề án của Hội Cựu chiến binh TP về truyên truyền, PBGDPL cho đối tượng cựu chiến binh, thương binh…
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP là cải cách hành chính, công tác này phải thực hiện thực chất, được Nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ, phải lan rộng cách làm hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở, tổng kết, đánh giá Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” để xây dựng đề án mới; xem xét hiệu quả của công tác PBGDPL trên địa bàn TP Hà Nội…