Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đã hoàn thành hơn 1000 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao

Thủy Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về việc kết nối cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của TP với Cổng dịch vụ công quốc gia của UBND TP Hà Nội.

Làm việc với đoàn có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng.
 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội 

Triển khai 100% các nhiệm vụ được giao

Theo báo cáo của đại diện UBND TP Hà Nội, từ ngày 01/01/2019 đến 15/10/2019, UBND TP Hà Nội đã nhận được 1.311 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại nhiều hội nghị, cuộc họp về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm... Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập thể lãnh đạo UBND TP, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo triển khai 100% các nhiệm vụ được giao với tinh thần sâu sát, quyết liệt theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Tính đến nay, TP đã hoàn thành 1.017 nhiệm vụ (bằng 77,51%); đang triển khai trong hạn 281 nhiệm vụ (21,4%). Nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành là 13 nhiệm vụ (bằng 0,99%). Những nhiệm vụ quá hạn là những việc rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc phải xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan T.Ư.

Trong nhóm những việc đã triển khai, đáng lưu ý, hệ thống một của điện tử thành phố đã thực hiện kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu thành công với các hệ thống khác như: Hệ thống nhân khẩu, hộ khẩu của Công an TP Hà Nội; Hệ thống Quản lý hộ tịch tư pháp của Bộ Tư pháp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thủ tướng khen Hà Nội 6 việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về 6 vấn đề Hà Nội thực hiện nổi bật trong năm 2019.

Thứ nhất, về phát triển kinh tế ổn định, trong 9 tháng năm 2019 tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ, GRDP đạt 7,35%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,4 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 186 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, công tác quy hoạch, phát triển không gian, chỉnh trang đô thị, trong thời gian qua Hà Nội trông được trên 349 nghìn cây đô thị và bóng mát. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng, quy mô diện mạo đô thị ngày càng hiện đại.

Thứ ba, kết quả xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện. Đến nay có 6 huyện và 325/386 xã (84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội liên tục được cải thiện, có nhiều giải pháp thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 245,8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt ấn tượng là thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, đạt 6,23 tỷ USD - dẫn đầu cả nước. Lũy kế tổng vốn FDI, đến nay đạt 41,3 tỷ USD. Đến nay, Hà Nội đã có trên 20 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký trên 263 nghìn tỷ đồng, tăng 9% về số lượng, tăng 28% về vốn, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn lên trên 273 nghìn doanh nghiệp.

Thứ năm, Thủ tướng khen Hà Nội là có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành hính của TP theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp. Trong 9 tháng thực hiện 6 đợt tinh giản biên chế hơn 190 người.

Thứ sau, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của TP được đẩy mạnh. Hà Nội xếp hạng thứ ba về mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT, xếp thứ nhất về chỉ số công nghiệp CNTT. TP đã triển khai được 1.448/1.839 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đạt tỷ lệ 80%. Số lượng hồ sơ trực tuyến là 362.736/2.214,188, đạt 16,4%, trong khi các địa phương trung bình đạt 10%.

Hà Nội làm được rất nhiều việc, tuy nhiên Tổ trưởng Tổ công tác cho biết hiện nay Thủ tướng quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, cụ thể ngày 15/10, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong đó có Hà Nội về nguồn nước sông Đà. Việc này Thành phố đã có những chỉ đạo giải quyết nhưng cần tiếp tục quan tâm; bên cạnh đó là sự cố cháy nhà máy Rạng Đông là những vấn đề Thành phố còn cần xử lý kịp thời hơn.

Bên cạnh đó, theo Tổ công tác, Thủ tướng cũng quan tâm đến một số bất cập như vấn đề ùn tắc giao thông; trật tự đô thị và đề nghị Hà Nội quan tâm tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm...

Với Cổng dịch vụ Công quốc gia, Thủ tướng giao VPCP cùng Hà Nội kết nối để thí điểm một số dịch vụ công, trước mắt áp dụng một số dịch vụ như: cấp đổi bằng lái xe, phạt vi phạm giao thông đường bộ...

Kiến nghị cơ chế giải ngân dự án ODA theo tiến độ

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị với Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu cắt tỉa, trang trí cây xanh trên địa bàn TP, bởi nếu không tháo gỡ ngay sẽ gây khó khăn cho TP. Bởi hiện nay, TP Hà Nội phải thực hiện nhiệm vụ trang trí cây xanh phục vụ các đoàn nguyên thủ các nước khi vào thăm, có những sự kiện TP chỉ nhận thông báo của Văn phòng Chính phủ trước 3 ngày, do đó không kịp thời gian đấu thầu.

Bên cạnh đó, toàn bộ TP hiện có gần 500 nghìn cây xanh trên các tuyến phố định kỳ thường xuyên phải cắt tỉa. Cây xanh là tài sản, bởi vì trồng xong quy định phải đưa vào quản lý là tài sản công, không có lý do gì tài sản lại đi đấu thầu trong khi TP có công ty chuyên làm nhiệm vụ cắt tỉa. Vì vậy, UBND TP kiến nghị với Chính phủ về việc xin áp dụng đặc thù đối với công tác trang trí cây, hoa, chiếu sáng, trồng bổ sung cây xanh, cắt tỉa cây xanh.

Ngoài ra, đề nghị Tổ công tác báo cáo với Thủ tướng về vốn ODA phục vụ giải ngân cho các tuyến đường sắt số 3 của Hà Nội. Theo đó, TP đề nghị Chính phủ cho cơ chế giải ngân theo tiến độ, bởi nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, phát sinh tiền nhân công và chuyên gia. Nếu được cấp đủ, TP cam kết đến quý III/2021 sẽ đưa 8km chạy trên cao vào hoạt động.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Tổ công tác tiếp nhận hoàn toàn ý kiến của Hà Nội, nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng những thẩm quyền của Chính phủ, và những vấn đề Chính phủ cần báo cáo Quốc hội.

Từ 1/1 đến 15/10/2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội 1.311, hiện nay Hà Nội hoàn thành 1.011 nhiệm vụ, còn 13 nhiệm vụ quá hạn (chiếm 1,2%). Toàn bộ nhiệm vụ quá hạn liên quan đến giải quyết đơn thư, là những vấn đề cực khó, còn những nhiệm vụ trọng tâm khác Hà Nội đã hoàn thành hết cho thấy sự cố gắng của Hà Nội.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhắc lại việc Thủ tướng quan tâm đến 4 lĩnh vực còn hạn chế của Hà Nội: Môi trường, trật tự đô thị, ùn tắc giao thông và các dự án trọng điểm. Từ đó đề nghị Hà Nội quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực nêu trên, với các dự án trọng điểm quan tâm đến đôn đốc, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Đặc biệt với các vấn đề phức tạp cần có ý kiến sớm, như liên quan đến nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước rạng Đông... Những vụ việc này cần sớm có ý kiến, cảnh báo kịp thời đến người dân.