Hà Nội: Đa lợi ích từ chuỗi liên kết nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về liên kết chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ với 141 mô hình. Nhờ được đầu tư phát triển xứng tầm, các mô hình chuỗi đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao, góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Tăng giá trị kinh tế 15 - 20%

Năm 2020, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm Gạo chất lượng Khu Cháy. Hiện, đơn vị đã liên kết với các HTX trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica; liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…

Giám đốc HTX Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy chia sẻ: “Trung bình mỗi vụ, HTX tiêu thụ 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa với giá thành ổn định nên nông dân rất phấn khởi”.

Hà Nội: Đa lợi ích từ chuỗi liên kết nông sản - Ảnh 1
 Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ Gạo khu Cháy (huyện Ứng Hòa) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Ánh Ngọc

Thời gian qua, nhờ xây dựng chuỗi liên kết với các DN, HTX nên chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì phát triển ổn định. Giám đốc Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai cho hay, để bảo đảm nguồn sữa nguyên liệu, công ty đã liên kết với hơn 20 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì, tiến hành thu mua 1,5 - 2 tấn sữa/ngày phục vụ sản xuất sữa tiệt trùng và sản phẩm từ sữa. Với các hộ ký hợp đồng liên kết, công ty thực hiện quy trình kiểm soát an toàn nghiêm ngặt, hướng dẫn chăn nuôi theo đúng kỹ thuật từ chăm sóc, vắt sữa đến bảo quản nguồn sữa, vận chuyển về kho nguyên liệu của công ty.

“Hiện nay, với nền tảng công nghệ hiện đại khép kín, công suất chế biến xấp xỉ 2.000 tấn/năm, công ty cho ra đời hơn 20 loại sản phẩm, tiêu thụ tại thị trường cả nước. Không chỉ có doanh thu tốt, mô hình liên kết sản xuất sữa bò còn mang lại thu nhập khá cho hàng chục hộ chăn nuôi cùng khoảng 50 lao động” – bà Nguyễn Thị Mai thông tin thêm.

Đó là 2 trong số những chuỗi liên kết đang phát huy hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn TP. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay TP đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, trong đó có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi liên kết không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế 15 - 20%, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn. Mặt khác, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn chất lượng.

Tiếp tục hỗ trợ đầu tư nhân rộng

Mặc dù đã xây dựng được số lượng chuỗi liên kết dẫn đầu cả nước, tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn. Một số chuỗi liên kết trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Đáng nói, nhiều đơn vị đã xây dựng được chuỗi nhưng vẫn đối mặt với khó khăn như khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, thiếu vốn để mở rộng sản xuất.

Hà Nội: Đa lợi ích từ chuỗi liên kết nông sản - Ảnh 2
Liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Ảnh: Ánh Ngọc

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với mục tiêu nhân rộng mô hình liên kết chuỗi, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm chủ lực của TP. Các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; các chuỗi liên kết được ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR. Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, từ đó hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung rà soát các DN, HTX trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới. Theo đó, TP sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng phục vụ hệ thống phân phối của DN trong nước và xuất khẩu. Đối với HTX, TP tập trung hỗ trợ giống, vật tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống phân phối như: Siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể.

Hà Nội hiện còn 24 huyện, thị xã, quận có sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp của TP hiện nay khoảng 188.600 héc ta, chiếm 56,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Mặt khác, Hà Nội có số dân hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc nên nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn. Do đó, việc hình thành các chuỗi liên kết là giải pháp quan trọng vừa duy trì ổn định về mặt sản lượng cung ứng vừa bảo đảm chất lượng nông sản đến người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn