Hà Nội đã thu nhận hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hơn 8 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 06, TP Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực; đã thu nhận hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử...

Chiều 29/9, diễn ra Hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTG ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ với các bộ ngành và 46 địa phương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố tham dự.

Điểm cầu Hà Nội hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTG ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Điểm cầu Hà Nội hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTG ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các địa phương đã phát biểu về kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết: Đối với TP Hà Nội, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 trong tiến trình xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của TP nói riêng và Chính phủ nói chung; đổi mới căn bản, toàn diện tư duy quản lý, điều hành của chính quyền, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, TP luôn đặt ra mục là “mỗi người dân, doanh nghiệp phải cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích của Đề án 06 – lấy thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Trong hơn 8 tháng triển khai, TP đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận: Đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công TP với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực; đã thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; 

Thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong CSDLQG về dân cư; rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin đối với 2.825 người thôi quốc tịch, không quốc tịch, chưa rà soát được quốc tịch… trên địa bàn vào hệ thống CSDLQG về dân cư; cập nhật 13.598.999 dữ liệu thông tin tiêm chủng; cập nhật 472.096 thông tin công dân diện chính sách trên hệ thống CSDLQG về dân cư và phối hợp với UBND cấp xã trong việc trợ cấp khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (có 440.885 trường hợp đã nhận tiền trợ cấp với số tiền đã phát là 392.372.942.097 đồng).

Thành phố hiện có gần 5 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; đã có 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh… có 3 ngân hàng lớn trên địa bàn TP đã thí điểm thành công việc sử dụng CCCD để rút tiền thay thế thẻ ATM...

Công an TP Hà Nội thực hiện làm Căn cước công dân gắn chip cho người dân.
Công an TP Hà Nội thực hiện làm Căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Đặc biệt, TP đã phối hợp với Cục C06 Bộ Công an triển khai thí điểm nhiều nội dung, phần việc của Đề án 06 trên địa bàn TP, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao (như việc triển khai mô hình điểm về tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại 3 phường của quận Cầu Giấy và tại quận Hoàn Kiếm).

Những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực của Đề án 06 và những nỗ lực của Thành phố, được Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận tại Hội nghị sơ kết 06 tháng triển khai Đề án trên địa bàn Thành phố và đặc biệt là buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại TP Hà Nội ngày 16/9/2022.

6 nhiệm vụ thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ Đề án 06

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục đặt ra các mục tiêu và giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn TP, cụ thể như sau: 

Thứ nhất, xin nhấn mạnh điểm nổi bật, quan trọng nhất đó là sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả Hệ thống chính trị TP trong việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ; việc thay đổi về nhận thức và xác định tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án của các cấp chính quyền đồng thời đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc triển khai Đề án 06 của mỗi cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.

Đặc biệt, TP tập trung huy động sự vào cuộc và xác định lực lượng nòng cốt triển khai Đề án bước đầu là các Tổ công tác tại cấp thôn, bản, tổ dân phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại hội nghị.

Thứ hai, TP chủ động triển khai các nhiệm vụ, chủ động đề xuất các giải pháp, phương án thay thế trong thời gian chờ sửa đổi, điều chỉnh các quy định, giải pháp kỹ thuật và đề nghị cho phép thực hiện thí điểm một số nội dung mới. 

Thứ ba, tập trung cao điểm công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VneID và các dịch vụ công trực tuyến của TP - những lợi ích mà Đề án đem lại trong đời sống người dân. Công tác thông tin và Truyền thông là nội dung TP quan tâm và đặt yêu cầu với các ngành, các cấp đẩy mạnh, thực hiện các đợt truyền thông cao điểm để người dân Thủ đô hiểu về lợi ích đặc biệt là các tiện ích theo hướng “cầm tay chỉ việc ”; “công dân hiểu, công dân thực hiện và công dân truyền thông”  với nhiều hình thức và biện pháp và phân loại đối tượng truyền thông để xác định phương thức truyền thông phù hợp (học sinh – sinh viên – người cao tuổi – thanh niên – cán bộ, công chức….). Các Tổ công tác cấp cơ sở mở đợt cao điểm thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VneID theo cách thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; Triển khai tuyên truyền bằng mã QRcode, tổ chức triển khai dán mã Qrcode tại các cơ quan, đơn vị và những địa điểm công cộng khác (giao lực lượng Đoàn viên thanh niên tổ chức triển khai dán mã Qrcode tại các địa điểm trên địa bàn TP), tuyên truyền qua các màn hình Led tại các khu chung cư, các địa điểm công cộng, sân bay, siêu thị…; phối hợp các nhà mạng để thực hiện tuyên truyền…

Đồng thời với việc tuyên truyền, TP triển khai các giải pháp để thúc đẩy công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến: Tham mưu HĐND TP sửa đổi Nghị quyết về phí và lệ phí theo hướng giảm hoặc miễn phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND TP đối với các DVCTT, hỗ trợ công dân 100% phí chuyển phát qua dịch vụ bưu chính công ích khi thực hiện các DVCTT. 

Thứ tư, chủ động triển khai việc hoàn thiện và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của TP, đảm bảo việc tích hợp, kết nối và chia sẻ với CSDLQG về dân cư, Cổng DVC Quốc gia và các CSDL của các Bộ, ngành, địa phương. 

Trước mắt, TP tập trung hoàn thiện và xây dựng các CSDL như an sinh xã hội, y tế, hộ tịch, người có công, đất đai  - đây là các dữ liệu phục vụ các vấn đề dân sinh cấp thiết đối với người dân; quá trình xây dựng được thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ ngành chủ quản để đảm bảo các trường dữ liệu khai thác đồng thời kết nối, chia sẻ với CSDLQG dân cư để thực hiện 2 công đoạn: làm sạch và khai thác sử dụng từ CSDLQG dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp; 

Thứ năm, tiến hành tổng rà soát, tái cấu trúc các thủ tục hành chính để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó đồng thời thực hiện việc bỏ thành phần hồ sơ là Chứng minh nhân dân/căn cước công dân và Sổ hộ khẩu giấy/Sổ tạm trú giấy trong các thủ tục hành chính (để chuẩn bị cho việc tổ chức thực hiện theo quy định của Nghị định 59/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2022 và quy định của Luật Cư trú khi sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng từ ngày 31/12/2022); Chuẩn bị công tác mua sắm trang thiết bị (thiết bị đọc mã QRCODE và thiết bị đọc chíp) để trang cấp cho Bộ phận một cửa các cấp, một số cơ quan, đơn vị (bệnh viên, bảo hiểm….) để đảm bảo quá trình thực hiện các giao dịch của người dân được thuận lợi, hiệu quả và khai thác tối đa tiện ích từ thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNEID… vào đời sống; 

TP đã rà soát và xác định 119 dịch vụ công toàn trình cung cấp cho công dân trên địa bàn TP, đang xây dựng lộ trình triển khai và phấn đấu mục tiêu 100% người dân trên địa bàn TP sẽ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình này trong thời tới. 

Thứ 6, đối với việc làm sạch dữ liệu hộ tịch và CSDLQ dân cư; Vấn đề này, ngay sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với TP ngày 16/9/2022, TP đã chỉ đạo ngay Công an TP phối hợp với C06 – Bộ Công an, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phối hợp; Sở Tư pháp TP đã chủ động làm việc với Bộ Tư pháp, Cục C06 và các đơn vị rà soát, đánh giá tình hình thực trạng dữ liệu hộ tịch TP và yêu cầu số hóa dữ liệu của ngành, các vấn đề cần tháo gỡ để từ đó xây dựng quy trình phù hợp với TP...