Hà Nội đã tinh giản được trên 4.000 cán bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tinh giản biên chế ở đây không chỉ là giảm được bao nhiêu người, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tại hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội, được tổ chức sáng nay 25/2.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, nơi nào đội ngũ cán bộ yếu, không đồng bộ sẽ ảnh hưởng lên đến công việc. Do đó, việc tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm được bao nhiêu người, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng công việc, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng đến công tác này, thể hiện rõ qua Đề án 06 chỉ trong thời gian ngắn đã giảm được 959 chi bộ, 2.400 tổ dân phố, kèm theo các chức danh Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. Cùng với hàng trăm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy quản lý không thuộc diện tái cử đã chủ động xin nghỉ. Chỉ trong 2 năm qua, Hà Nội đã tinh giản được trên 4.000 người từ cơ sở đến TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan đơn vị đã thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn nể nang, né tránh, chưa đúng với tình hình.

“Có tình trạng phó phòng làm thay việc cho chuyên viên, phó giám đốc sở làm thay việc trưởng phòng. Từng cơ quan, người đứng đầu có thể chỉ rõ ai làm được việc, ai hạn chế và tới đây, việc đánh giá phải được thực hiện nghiêm túc”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu và cho rằng đây là cơ sở quan trọng để tinh giản những cán bộ sau nhiều năm đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng chính là tinh thần của Thành ủy xác định trong Chương trình 01 và khâu đột phá về cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức. Sắp tới, TP sẽ thành lập Ban chỉ đạo do đích thân đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban, để triển khai thực hiện quyết liệt, đảm bảo hiệu quả, thực chất.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ khó, nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến công việc, đời sống của cán bộ, công chức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, quá trình thực hiện phải có lộ trình, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng. Các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc rà soát, thực hiện tinh giản, chủ động hoàn thành xác định vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. “Nếu xét về trình độ, bằng cấp, TP đã chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhưng lần này đòi hỏi cao hơn về năng lực, hiệu quả, tinh thần trách nhiệm với công việc”, đồng chí nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng cán bộ, công chức, nhất là những người trong diện tinh giản để kịp thời giải quyết, đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách, không ảnh hưởng đến công việc chung.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu chuyển dần sang tự chủ. Đơn cử như ngành Y tế, cũng đã có những đơn vị làm rất tốt mô hình này như bệnh viện Hòe Nhai, bệnh viện Tim Hà Nội. Các sở, ngành cũng cần chủ động hơn, đặc là là với các Ban quản lý dự án trực thuộc, “bởi có Ban quản lý, nhưng tiến độ của nhiều dự án vẫn rất chậm”. Ở cấp cơ sở,  đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm với một số chức danh ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và thực hiện khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách.