Hà Nội đã xác định lao động tự do được hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch Covid-19

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những đối tượng người lao động (NLĐ) đã rõ sẽ được triển khai hỗ trợ ngay. Việc hỗ trợ cho NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng và có thể sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện.

Những đối tượng đã rõ sẽ được  hỗ trợ ngay
Sở LĐTB&XH Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của UBND TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với gõi hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho 12 nhóm đối tượng thụ hưởng. Thông tin về dự thảo quyết định của UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho hay: Tinh thần của dự thảo là đảm bảo cụ thể hóa về trình tự, thủ tục; đặc biệt là phân công rõ trách nhiệm của các ngành để UBND cấp quận, huyện tổ chức thực hiện quyết định này.

 Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến tặng quà cho các hộ gia đình ở phường Yên Phụ có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tháng 6/2021.
Dự thảo quyết định đảm bảo việc triển khai được ngay, không vướng mắc gì, đồng thời công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh lạm dụng, trục lợi chính sách. “Chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất TP phân công một cơ quan để xây dựng phương thức chi trả, kể cả áp dụng công nghệ thông tin để làm sao đảm bảo đúng nguyên tắc, theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23; cũng như đảm bảo đúng người, đúng đối tượng được hưởng, không trùng lặp và không bị lợi dụng chính sách” – ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Một nội dung nữa được đưa ra trong dự thảo quyết định là phân cấp trách nhiệm, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã, các sở ngành có liên quan trong việc phê duyệt danh sách đối tượng, kinh phí hỗ trợ. Qua đó, rút ngắn được thời gian giải quyết; rút bớt được trình tự; tăng tính trách nhiệm của người tham mưu, thẩm định; đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ.

 UBND quận Cầu Giấy trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận năm 2021.
“Với những đối tượng lao động nào đã rõ thì triển khai ngay, không cần phải chờ đến các nội dung khác để tạo thuận lợi nhất cho NLĐ và NSDLĐ. Đối với NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Sở LĐTB&XH Hà Nội căn cứ vào Nghị quyết 68, tình hình thực tiễn Hà Nội, những kết quả đạt được và còn hạn chế của Nghị quyết 42 để xây dựng dự thảo quy định đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, hồ sơ, thủ tục, đảm bảo đúng quy định.
Chúng tôi căn cứ vào các văn bản của TP Hà Nội về một số ngành nghề, hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động vì công tác phòng chống dịch để xác định cụ thể lao động tự do được hỗ trợ. Ngoài ra là căn cứ vào các quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với những nơi bị cách ly, phong tỏa để phòng chống dịch trên địa bàn” – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho hay.
Rà soát, lên danh sách các đối tượng thụ hưởng
Theo kế hoạch, ngày 20/7/2021 dự thảo quyết định thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 sẽ được Sở LĐTB&XH Hà Nội trình UBND TP Hà Nội. Hiện nay, Sở LDDTBTB&XH Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo dựa trên ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã. Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: “Quyết tâm của chúng ta là nhanh nhất trong tháng 7 và trước ngày 26/7, 27/7 có thể tham mưu cho TP Hà Nội triển khai tổ chức thực hiện được ngay chính sách này, để NLĐ và người sử dụng lao động có thể được nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Trung ương và TP Hà Nội”.
 Quận Hà Đông trao tiền cho người dân do gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Để chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ được triển khai kịp thời, hiện nay các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, huyện Đông Anh,... đã chủ động tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên các phương tiện thông tin. Thậm chí, đã có những quận xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện, dự thảo hướng dẫn, trong khi chờ quyết định thực hiện của UBND TP Hà Nội. Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho biết: Sáng ngày 17/7, sau khi dự họp trực tuyến với TP, quận Cầu Giấy đã họp với các phòng, ngành và UBND các phường để  thống nhất dự thảo kế hoạch của quận, khi TP có quyết định chính thức sẽ triển khai ngay.

Theo dự thảo kế hoạch, Phòng LĐTB&XH Cầu Giấy sẽ tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối với với các phòng, ban, ngành liên quan thẩm định và trình UBND quận phê duyệt chính sách hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ ngừng việc; chi trả kinh phí cho NLĐ và NSDLĐ theo quy định. Đồng thời tổng hợp danh sách NLĐ không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trình UBND quận ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ.
 Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng (bên trái) nhận biểu trưng từ nhà tài trợ tặng 6 tấn gạo cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Hiện nay, quận Tây Hồ cũng đang tiến hành những công việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. “Chúng tôi đã tuyên truyền các nội dung trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 tới UBND các phường, đóng góp ý kiến vào dự thảo quyết định để trình UBND TP Hà Nội. Dựa trên dự thảo lần 3 quyết định của TP, chúng tôi đang xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện của quận Tây Hồ, để khi TP có quyết định sẽ thực hiện ngay một cách nhanh nhất và tốt nhất” – Trưởng phòng LĐTB&XH Tây Hồ Dương Văn Trường cho hay.
Quận Hà Đông cũng đã triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, đã đạt kết quả bước đầu. Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho hay: Ngay khi có Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Phòng LĐTP&XH Hà Đông đã chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Chi cục thuế, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát đối tượng và dự kiến kinh phí hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng. 
Căn cứ dự thảo Quyết định của UBND TP, Phòng LĐTB&XH Hà Đông đã phối hợp với UBND các phường rà soát đối tượng và dự kiến kinh phí hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động: NLĐ bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại 5 văn bản chỉ đạo của UBND TP; NLĐ bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Tổng số đối tượng dự kiến hỗ trợ thuộc thẩm quyền của UBND quận là 13.320 người; kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 30 tỷ đồng.
Hiện nay, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ cho UBND các quận, huyện, thị xã, phòng LĐTB&XH, NLĐ, NSDLĐ và các cơ quan có liên quan khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai. Đường dây nóng gồm 5 line, mỗi line một lĩnh vực để đảm bảo hướng dẫn thông suốt, kịp thời.