Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển thể thao quần chúng và học đường

Linh Anh - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedotnhi - Thể thao Hà Nội luôn là đơn vị đầu trong cả nước từ thể thao thành tích cao cho đến thể thao quần chúng. Đặc biệt với những sự cố gắng trong thời gian qua công tác thể thao quần chúng đã và đang được chú trọng, mang đến cho người dân Thủ đô những sân chơi mới. Nhân Kỷ niệm 75 Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2021), để hiểu rõ hơn về sự đầu tư đặc biệt và kết quả đạt được của Hà Nội, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội.

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân
- Bà có thể cho biết trong thời gian qua cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng như “Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại Hà Nội được thực hiện như thế nào?
Hà Nội luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động mọi đối tượng quần chúng Nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu TDTT nhằm nâng cao sức khỏe để học tập, lao động và bảo vệ tổ quốc. Hà Nội luôn phát triển đa dạng các loại hình tập luyện và hoạt động TDTT mang tính phổ biến đối với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, giúp người dân tự chọn cho mình một môn thể thao yêu thích hoặc nội dung, hình thức tập luyện phù hợp để rèn luyện hàng ngày, gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào TDTT với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã phát triển thể thao giải trí, thể thao đường phố và kinh doanh dịch vụ TDTT. Khai thác, bảo tồn và phát triển các loại hình thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, đến nay đã đưa các loại hình này vào nội dung hoạt động của các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa thể thao, nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, TP đã đầu tư thí điểm lắp đặt hệ trang thiết bị dụng cụ tập luyện thể thao thường xuyên tại 7 địa điểm điểm, hướng dẫn các đơn vị đầu tư theo phương thức xã hội hóa lắp đặt trang thiết bị dụng cụ tập luyện thể thao tại 1523 địa điểm trên địa bàn TP (mỗi địa điểm có mức kinh phí từ 500 – trên 700 triệu đồng).
 Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Liên đoàn Bi sắt thế giới tại Giải bi sắt vô địch và vô địch trẻ châu Á 2019.
- Những con số hay sự kiện nào của Hà Nội thể hiện thể thao Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân?
Riêng năm nay, TP đã tổ chức phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động giải chạy Báo Hà Nộimới mở rộng vì hòa bình tổ chức vào ngày 24/4, phát động tới 584 xã phường thị trấn, 30 quận, huyện, thị xã thu hút trên 30 vạn người tham gia ngày chạy. Phối hợp tổ chức Chương trình chạy tiếp sức hưởng ứng SEA Games 29 và ASEAN ParaGames 9. Tổ chức thành công các giải đua xe đạp tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm chào mừng Quốc khánh 2/9. Tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp. Cụ thể, có 584/584 đơn vị xã, phường, thị trấn, 398 đơn vị ngành, đoàn thể...tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở, thu hút hơn 800.000 người tham gia. 30/30 quận, huyện, thị xã, 5 sở, ngành, đoàn thể TP tổ chức Đại hội, thu hút hơn 649.180 người tham gia. Đại hội TDTT thủ đô có 9.500 lượt VĐV đến từ 30 quận, huyện, thị xã và 82 đơn vị trường THPT trên địa bàn TP, tham gia 22 môn thi đấu trong chương trình Đại hội.
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn kết quả thực hiện của các kỳ Đại hội TDTT?
Qua các kỳ Đại hội TDTT Thủ đô là dịp nhìn nhận đánh giá tổng kết các kết quả đạt được về công tác TDTT tại các cấp từ cơ sở đến TP. Thành công lớn đã tạo ra một sự lan tỏa rộng khắp 100% quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức. Đại hội đã tạo phong trào rộng khắp rèn luyện sức khỏe trong các tầng lớp nhân dân. Các công trình TDTT phục vụ Đại hội được sửa chữa nâng cấp; Hoàn thành công tác tổ chức Đại hội TDTT ở 3 cấp: Cấp cơ sở, cấp quận, huyện, thị xã, ban, ngành, đoàn thể và cấp TP với chất lượng cao. Thông qua Đây cũng là dịp kiểm tra tổng thể lực lượng, đánh giá công tác đào tạo và tìm kiếm phát hiện các tài năng thể thao cho Thủ đô và Đất nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên TDTT, xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên, vận động viên làm nòng cốt cho phong trào được tổ chức thường xuyên.
Quan tâm phát triển thể thao học đường
- Bên cạnh phát triển thể thao thành tích cao phát triển song hành với thể thao quần chúng, thể thao Hà Nội cần làm gì để việc phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học?
Về vấn đề này, TP luôn chú trọng phát triển thể lực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh Thủ đô góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn Minh. Trong đó, đã thực hiện giáo dục thể chất kết hợp với vui chơi giải trí để hình thành kỹ năng vận động cơ bản, nâng cao thể chất và tinh thần cho học sinh. Tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn thể dục trong nhà trường và các hoạt động ngoại khóa theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT. Về hoạt động chính khóa, Sở GDĐT đã ban hành khung chương trình môn giáo dục thể chất (GDTC )theo quy định của Bộ cho các đơn vị, trường học. 100% các trường tiểu học, THCS, THPT tiến hành giảng dạy môn GDTC với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình của Bộ GDĐT. Đối với những trường THCS, THPT có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học sinh được chọn môn thể thao mình yêu thích như Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng đá, Điền kinh, Thể dục nhịp điệu, Bơi, Đá cầu, Cầu lông, Karatedo, Taekwondo...  để học, luyện tập trong suốt các năm học. Việc dạy môn GDTC theo “Chương trình dạy học môn GDTC theo năng lực của học sinh và điều kiện của nhà trường” cũng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục TP Hà Nội. Đổi mới phương pháp GDTC theo hướng phát triển năng lực của học sinh, tạo sự hứng thú, yêu thích cho học sinh khi tham gia giờ học thể dục. Đảm bảo 100% số trường dạy đủ số tiết Thể dục ở các cấp học theo đúng quy định của Bộ.  Có đủ 100% giáo viên chuyên trách và đạt chuẩn đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh.
 Người dân hào hứng tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2019 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
- Ngoài việc phát triển hoạt động chính khoá, thì hoạt động TDTT ngoại không thể thiếu trong các trường học, bà có đồng quan điểm về vấn đề này?
 Phát triển hoạt động TDTT ngoại khóa là nhiệm vụ cần phải đi liền với chính khoá, hiện nay 100% các trường phổ thông tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường hàng năm học tối thiểu từ 5 môn trở lên để duy trì và phát triển câu lạc bộ TDTT, các lớp năng khiếu thể thao trong trường học, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp vận động viên kế cận cho đội tuyển Hà Nội. Năm học 2019 - 2020 đã có hơn 300 trường đăng kí thi đấu với gần 4000 học sinh tham dự. Điển hình đã phối hợp với Báo An ninh Thủ đô tổ chức Giải bóng đá học sinh THPT 20 năm, riêng năm vừa qua đã có hơn 90 trường đăng kí thi đấu với gần 1300 học sinh tham dự.
 - Việc phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh được thực hiện qua các năm đã gặt hái nhiều thành công. Theo bà điều gì thể hiện thành công của Hà Nội việc phát động phong trào toàn dân luyện tập môn bơi?
Hoạt động này luôn được thực hiện nghiêm, đặc biệt đối với học sinh tiểu học, chủ động triển khai mô hình “Bể bơi thông minh” lắp đặt tại nhà trường để dạy bơi cho học sinh tiểu học. Trong hè 2019 toàn TP có 321 bể bơi được sử dụng trong chương trình phổ cập bơi. Trong đó, có 30 bể mi ni được xây dựng trong trường học, 143 bể bơi thông minh được lắp đặt trong các nhà trường và trên địa bàn; có 148 bể bơi khác được phòng GDĐT phối hợp với Trung tâm VHTT&TT các quận, huyện, thị xã; các DN có bể dạy bơi cho học sinh. Năm 2020 toàn TP đã tổ chức dạy bơi cho 102.264 em với số lượng biết bơi là 91.357 em.
- Để tạo ra các sân chơi cho học đảm bảo an toàn thì vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác GDTC cũng cần được quan tâm. Vậy Hà Nội có sự chuẩn bị gì cho nội dung này?
Trong kế hoạch thực hiện thì luôn dành ít nhất 15% chi khác để đầu tư mua sắm trang thiết bị và dành ít nhất 10% chi khác để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất. Đối với các trường THPT và trực thuộc, cơ sở vật chất đáp ứng đạt bình quân 92,2%; đồ dùng dạy học dành cho bộ môn GDTC đáp ứng bình quân 94,5%. Tại các phòng GDĐT quận, huyện để đáp ứng cho việc dạy học và các hoạt động ngoại khóa thể dục thể thao trong trường học đạt bình quân 90,5%; đồ dùng dạy học dành cho bộ môn thể dục đáp ứng bình quân 89,7%. Riêng với việc học tập, tập luyện TDTT cho học sinh của toàn ngành có 768 nhà tập đa năng, 1795 sân tập cấp trường, 321 bể bơi. Nhìn chung, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng cho việc dạy học bộ môn GDTC và các hoạt động ngoại khóa thể dục thể thao trong trường học đạt bình quân 91,4%.
-       Xin cảm ơn bà !