Hà Nội đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người dân 3 vùng chống dịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 6/9, Hà Nội triển khai giãn cách theo 3 phân vùng chống dịch “đỏ, cam, xanh”, và kéo dài đến hết ngày 21/9. Để bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, TP đã yêu cầu Sở Công Thương, các DN bán lẻ chuẩn bị các phương án cung ứng hàng hóa cho 3 vùng.

1.200 doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho Hà Nội

Ngày 6/9, ghi nhận tại một số chợ, siêu thị trong phân vùng 1 như Trung Hòa, Trung Kính (quận Cầu Giấy); Thành Công (quận Ba Đình)… và hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích như VinMart, BigC, Sói biển, Bác Tôm… cho thấy hàng hóa dồi dào, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh phong phú, giá bán không tăng so với bình thường.
Tại chợ Trung Hòa (quận Cầu Giấy), chị Nguyễn Thị Nhung - tiểu thương bán thịt lợn ở cho biết, lượng khách mua vẫn như mọi ngày, không đông, giá cả ổn định. Tương tự tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích lượng khách đến mua sắm bình thường không diễn ra cảnh tranh mua.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các DN bán lẻ đã tích cực chuẩn bị hàng hóa. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường. Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cũng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các kịch bản dự trữ hàng hóa bảo đảm chuỗi cung ứng mọi tình huống của dịch bệnh.
Tại hệ thống siêu thị Big C đã dự trữ thực phẩm khô tăng 30 - 50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp tăng lượng hàng thực phẩm giao hàng ngày lên 200 - 300% so với thông thường.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại Big C ngày 6/9.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị tạm dừng hoạt động nhưng hệ thống phân phối đã triển khai nhiều hình thức cung ứng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
Hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; 2.500 địa điểm bán hàng lưu động; 210 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, 52 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm; 606 cửa hàng gas, 480 cửa hàng xăng dầu; 150 kho hàng; 125 đơn vị trồng trọt các mặt hàng thiết yếu; 378 DN chăn nuôi gia súc gia cầm; 16 đơn vị có khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ trẻ em, người cao tuổi, 35 DN là các sàn thương mại điện tử, với 565 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu).
Nguồn cung hàng hóa được đảm bảo dựa trên 2 nguồn gồm sản xuất trên địa bàn TP và kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện có 774 DN, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 DN, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên 200 DN các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.
 Rau xanh tại chợ Nam Đồng (Đống Đa) luôn dồi dào (6/9).

Tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa
Phản ánh về những khó khăn trong quá trình cung ứng hàng hóa đến người dân vùng 1, các DN bán lẻ có chung ý kiến, việc cấp phép của từng nhóm nhân viên làm việc tại cửa hàng như: nhân viên phục vụ, giao hàng… chỉ được lưu thông tại vùng 1 đã gây khó khăn cho DN trong việc lưu thông hàng hóa.
“Sáng 6/9 mặc dù báo chí truyền thông có đưa tin về việc chưa áp dụng quy định phạt người đi đường chưa được cấp giấy, nhưng siêu thị rất khó thuyết phục các nhà cung cấp giao hàng bởi những đơn vị chưa được cấp giấy phép đi đường. Trong khi đó các hàng tươi sống như thịt, cá, rau, đậu… rất chóng hỏng, lợi nhuận chỉ từ 5-7% nếu vận chuyển hàng hóa không có giấy đi đường rủi ro rất lớn nên nhà cung cấp đã từ chối giao hàng và đợi làm xong thủ tục “giấy đi đường”, mới tiếp tục cung ứng hàng cho siêu thị”- Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà phản ánh.
Để khắc phục những khó khăn này, các DN bán lẻ kiến nghị cần được hướng dẫn cụ thể chi tiết các quy định và biểu mẫu để không lúng túng trong việc thực hiện xin cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa.
Trả lời về kiến nghị này, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ, đơn vị sẽ cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Code) trong vùng 1cho các DN đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu gồm: các đơn vị kinh doanh siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích; Đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ; DN sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; DN kinh doanh xăng dầu, LPG, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường; DN kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương như tã, bỉm, sữa. Sở Công Thương tiếp nhận và xử lý hồ sơ, nếu đủ điều kiện đơn vị sẽ tổng hợp và gửi Công an TP xem xét, cấp xác nhận; Nếu không hợp lệ sẽ nêu rõ lý do và niêm yết trên trang web congthuong.hanoi.gov.vn.