Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đảm bảo không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành công thương Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

39.000 tỷ đồng hàng phục vụ Tết  
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm sút, tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu này của DN vẫn chưa thực sự cao. Cụ thể, sức mua các mặt hàng gạo, thịt lợn, bò, gia cầm, rau, củ, quả... trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giảm sút, nhưng khả năng sản xuất của DN Hà Nội chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Vì thế, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị 39.000 tỷ đồng tương đương kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2021.
Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gồm gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi. Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các doanh nghiệp chú trọng dự trữ...
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Quyền Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng các tỉnh, thành về Thủ đô tiêu thụ.
 Người dân mua hàng hóa tại siêu thị Big C

Thực tế cho thấy, diễn biến dịch Covid-19  còn phức tạp, hoạt động mua sắm hàng hoá trong dịp Tết 2022 luôn thu hút đông người dân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Để đảm bảo không thiếu hàng, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị phương án đảm bảo hàng hóa sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. “Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; Chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…”, bà Lan thông tin.
Doanh nghiệp tích cực dự trữ hàng hóa
Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán luôn là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, tăng doanh thu. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang nước rút chuẩn bị hàng hóa cho giai đoạn kinh doanh cao điểm này.
Thông tin  từ hệ thống bán lẻ Saigon Co.op cho thấy, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa cung ứng cho toàn hệ thống, trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho dự trữ 9 nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa nên doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều phương án dự trữ qua đó bảo đảm số lượng hàng thiết yếu, giá tốt luôn đầy đủ, không bị thiếu hàng.
“Tại thị trường Hà Nội, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ cố gắng đạt doanh số hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần trị giá 104 tỷ đồng tăng khoảng 5% so với Tết Nguyên đán 2021. Cụ thể mặt hàng thực phẩm tươi sống 18 tỷ đồng, may mặc và đồ dùng gia dụng 11 tỷ đồng, thực phẩm công nghệ 59 tỷ đồng, hóa mỹ phẩm 15 tỷ đồng…”-bà Dung thông tin.
 Người dân mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị Big C

Tương tự Phó tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm nêu rõ, Hapro đã xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021. Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố, doanh nghiệp đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Hapro như Gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối, xúc xích, chân giò hun khói… Bên cạnh đó là các loại đặc sản vùng miền như Bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… cũng được doanh nghiệp chú trọng.
“Hapro đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử, qua đó hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19”- bà Tâm thông tin.
Trong khi đó, theo Giám đốc Vùng Hà Nội (Tập đoàn Central Group) Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của hệ thống siêu thị Big C dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.
Việc ngành công thương và các DN bán lẻ TP Hà Nội tích cực dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hà Nội bảo đảm không để xẩy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp đã có kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi qua đó  chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết. Đồng thời, đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm từ năm đến mười lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết qua đó để bảo đảm chất lượng sản phẩm. 

Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung