Hà Nội đảm bảo nguồn cung xăng dầu ở mức cao nhất

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hết ngày 4/11, Hà Nội có 8 cửa hàng hết xăng cục bộ. Ngày 5/11, lượng xăng vận chuyển về Hà Nội vẫn diễn ra bình thường.

Tại Hà Nội, nhiều người tiêu dùng phản ánh, đêm 4/11, nhiều người dân Hà Nội dù đi qua 3 cửa hàng xăng dầu vẫn không mua được xăng, hoặc chỉ được mua theo định lượng.

Trả lời về vấn đề này Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, tính đến hết ngày 4/11, có 8 cửa hàng hết xăng cục bộ. Ngày 5/11, lượng xăng vận chuyển về Hà Nội vẫn diễn ra bình thường.

Sở Công Thương cũng đã gửi Sở Giao thông vận tải cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ để cung cấp xăng cho các cửa hàng. “Hiện Hà Nội vẫn đang bảo đảm ở mức cao nhất nhu cầu cho người dân trong việc mua xăng dầu”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Nam Đồng. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Nam Đồng. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho thấy, nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xăng dầu tăng đột biến là bởi ngoài việc phục vụ trên 10,3 triệu dân Hà Nội, còn phải đáp ứng thêm một số khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận về Hà Nội mua xăng. Điều này gây áp lực rất lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh xǎng dầu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Ngoài ra, một số cửa hàng xăng dầu trong khu vực nội thành dung lượng bể chứa nhỏ, nguồn dự trữ xăng dầu ít... trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ. Trong khi đó, các thương nhân phân phối xăng dầu gặp khó khăn trong quá trình lấy hàng từ kho, có thời điểm xe téc tập trung lấy hàng tại kho lên tới 400 xe/ngày.

Nhằm nắm rõ tình hình dự trữ, cung ứng  xăng dầu trên trên địa bàn Hà Nội, ngày 3/11, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đi kiểm tra hoạt động dự trữ, kinh doanh tại một số cửa hàng xăng dầu  trên địa bàn.

Qua đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án bảo đảm, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh; Tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa. Với các cửa hàng bán lẻ, yêu cầu không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương...

Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thái Thịnh ngày 3/11.  Ảnh: Hoài Nam
Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thái Thịnh ngày 3/11.  Ảnh: Hoài Nam

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho người dân Thủ đô, ngày 4/11, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 3694/UBND-KTN về việc thực hiện Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn Hà Nội; Đồng thời, rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, báo cáo đề xuất UBND TP có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; Phối hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo UBND TP trước 17 giờ hằng ngày.

Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh. Ảnh: Hoài Nam

Cục QLTT có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu, trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an TP Hà Nội hướng dẫn, thực hiện thủ tục cấp phép cho các phương tiện chở xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp xăng dầu, kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân. Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Công Thương về việc cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn ưu đãi lãi suất thấp theo quy định hiện hành.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, UBND TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cam kết bảo đảm đủ nguồn cung cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp; Hỗ trợ, chia sẻ nguồn hàng với các thương nhân khác trong những thời điểm khó khăn về nguồn nhằm bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định thị trường xăng dầu phục vụ Nhân dân.