Báo cáo của các siêu thị cho thấy, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15-40% sẵn sàng phục vụ của người dân. Theo dự báo của siêu thị, lượng khách hàng tăng thời điểm từ khoảng trước Tết 3 tuần, và đặc biệt lượng khách hàng từ sau Tết ông Công ông Táo đến thời điểm này tăng khoảng 30% so với những tháng trong năm.
Để tiêu thụ hàng hóa bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, công tác chuẩn bị hàng Tết được siêu thị triển khai cách đây 6 tháng. Trong đó, 9 nhóm hàng lương thực thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.
Tương tự, đại diện siêu thị AEON Hà Đông thông tin, bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, để kích cầu tiểu dùng, siêu thị đã đưa ra chương trình khuyến mại giảm thêm 5% với tất cả các mặt hàng mà siêu thị đã đưa ra chương trình khuyến mại trước đó. Sức tiêu thụ hàng hóa trong những ngày cận Tết Nguyên đán tăng mạnh, nhưng nhiều người tiêu dùng lo lắng liệu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có được bảo đảm.
Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch đặc biệt để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn và triển khai đồng loạt trên 30 quận, huyện, thị xã.
Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm TP Hà Nội cũng tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành triển khai trên các điểm kinh doanh sản xuất trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt là thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất đối với những chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến với người tiêu dùng Thủ đô. “Đối với toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật và phải niêm yết công khai chứng nhận đủ đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối kinh doanh đều phải kiểm soát bảo đảm chất lượng đầu vào, các sản phẩm đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh bảo đảm đúng các quy định của nhà nước"- bà Lan nhấn mạnh