Hà Nội đặt mục tiêu hàng năm tăng 5% DN quan trắc môi trường lao động

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 15/7, UBND TP Hà Nội ban hành Chương trình 03/CTr-UBND về An toàn, vệ sinh lao động TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Công nhân làm việc tại Nhà máy Xích líp Đông Anh. Ảnh minh họa.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Xích líp Đông Anh. Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Chương trình là trung bình hàng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người. Trung bình hàng năm tăng thêm 5% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề ngiệp; tăng thêm 5% doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.

Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp quận, huyện, thị xã và trong các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; trên 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;

Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Phạm vi thực hiện trên toàn TP Hà Nội bao gồm tất cả các ngành nghề, người làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.

Về nội dung hoạt động, Chương trình tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động về bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; nâng cao chất lượng công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các mô hình hợp tác xã; tăng cường phòng, chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động;

Thông tin, tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP về công tác an toàn, vệ sinh lao động; thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần