Kế hoạch số 399 nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics vào GRDP; gia tăng tỷ lệ thuê ngoài, giảm chi phí logistics để cạnh tranh giá cả sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.
Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL2; hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng và của cả nước.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; thứ hai, phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.
Thứ tư, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ năm, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của Thành phố.
UBND TP Hà Nội giao các sở ngành theo chức năng nhiệm vụ, rà soát, kiểm tra phát triển các khu logistics với quy mô phù hợp, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng. Tổ chức liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân phối để tăng cường sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, logistics chuyên nghiệp…
Đối với Cục Hải quan, UBND TP Hà Nội đề nghị đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ngành hải quan trên địa bàn, địa điểm thông quan, kho bãi, điểm kiểm tra tập trung phục vụ hoạt động logistics…