Chiều 11/12, lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Trưởng đoàn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027.
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc kiêm nhiệm Liên bang Micronesia Phạm Thanh Bình; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Minh Vũ ... cùng các đại biểu Hà Nội, đại sứ đặc mệnh toàn quyền và tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
Những con số khởi sắc
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội Lê Trung Hiếu đã báo cáo vắn tắt tình hình phát triển kinh tế xã hội TP trong năm 2024 và một số định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
"Trong năm 2024, thành phố đã cơ bản hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,52% so với 6,27% cùng kỳ năm trước. Quy mô GIDP đạt khoảng 58 tỷ USD, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Tổng thu ngân sách ước tính đạt 120,5% dự toán, cụ thể là khoảng 500.000 tỷ VND", Phó Giám đốc Lê Trung Hiếu phát biểu. "Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Hà Nội đạt 19,4 tỷ USD, tăng 16,7%, trong đó xuất khẩu tăng 9,6%. Thành phố thu hút được 2.067 triệu USD vốn FDI đăng ký, đứng thứ 5 cả nước".
Bên cạnh đó, các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô cũng được tổ chức thành công, mang lại ấn tượng đẹp đối với không chỉ người dân thành phố, mà còn là người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu với nhiều giải thưởng lớn như "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu châu Á", và "Điểm đến văn hóa Hà Nội, Việt Nam".
Cũng theo Phó Giám đốc Lê Trung Hiếu, Hà Nội thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư từ các đối tác trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu, đồng thời xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học và năng lượng sạch.
Chính quyền Hà Nội cũng xác định việc hoàn thiện hạ tầng các dự án giao thông quan trọng, kết nối nội với ngoại thành và các khu vực lân cận là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, thành phố sẽ nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính để hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Điểm đến ngoại giao lý tưởng
Cũng trong buổi làm việc, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hà Nội Ngô Minh Hoàng đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả đối ngoại của thành phố trong năm 2024 và một số đề xuất, định hướng mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ mà các tân đại sứ, tổng lãnh sự và trưởng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ công tác trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Ngô Minh Hoàng, trong năm 2024, "Hà Nội đã tổ chức 17 đoàn ngoại giao của lãnh đạo thành phố, trong đó có 11 đoàn công tác do lãnh đạo thành phố làm trưởng đoàn và 6 đoàn tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác nước ngoài. Thành phố đồng thời đón 12 đoàn lãnh đạo cấp cao thăm chính thức Việt Nam, tiêu biểu là các đoàn của Tổng Bí Thư - Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường".
Lãnh đạo Hà Nội cũng đã chủ trì, tiếp đón và trao đổi về các dự án hợp tác song phương với hơn 65 đoàn khách quốc tế. Quan hệ đối ngoại với các đối tác đầu tư lớn vào Hà Nội như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh đó, thành phố cũng mở rộng hợp tác với các địa phương mới ở châu Mỹ, châu Phi và khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương của Hà Nội cũng tích cực triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể với các đối tác nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa. Chúng góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, thành tựu phát triển của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Hà Nội mong muốn các đại sứ, tổng lãnh sự và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động như: Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa tại các địa bàn ưu tiên; Giới thiệu và quảng bá tiềm năng, lợi thế của Hà Nội tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài; Hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa Hà Nội với các đối tác nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và giáo dục.
Buổi làm việc đã đưa ra cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Nội, đồng thời xác định các định hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại của thành phố. Qua đó, Hà Nội mong muốn nhận được sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh Thủ đô.
Với những hỗ trợ trên, thành phố hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.