Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - đầu tàu kết nối cung - cầu hàng hóa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động giao thương hàng hóa không chỉ tạo cơ hội cho các DN, HTX tiêu thụ sản phẩm mà đang từng bước trở thành cầu nối kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tại Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu năm 2019, do UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức chiều 20/11, với sự góp mặt của lãnh đạo 50 tỉnh, TP và 400 DN.
Hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm
Theo Sở Công Thương Hà Nội, với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn, đặc biệt sức tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng từ 5 - 21% so với các tháng khác, trong khi DN của TP chỉ có thể đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu của người dân.
 Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam, tối 20/11.  Ảnh: Hoài Nam
Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Trong giai đoạn 2018- 2019, TP Hà Nội phối hợp với các tỉnh, TP tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa quả các loại...; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội, đã có trên 350 sản phẩm, mã hàng mới được các DN Hà Nội kết nối, tiêu thụ.
Thông qua hoạt động kết nối cung cầu TP Hà Nội đã hỗ trợ DN các tỉnh, thành xây dựng, quảng bá thương hiệu... đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.
Năm 2019, nhiều tỉnh, TP như Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa với doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm tại kênh phân phối lớn của Hà Nội như hệ thống Vinmart, BigC Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, ngoài việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, TP Hà Nội đã hỗ trợ DN 46 tỉnh, thành đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài tiêu thụ như hệ thống AEON - Nhật Bản, hệ thống Lotte Mart - Hàn Quốc, hệ thống tập đoàn Central Group - Thái Lan; chợ đầu mối Rungis - Pháp, qua đó giúp DN quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, là đầu tàu trong công tác kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành cả nước, đồng thời còn là cầu nối DN với các thị trường, đưa sản phẩm Việt đến thị trường quốc tế.
“Việc tổ chức hội nghị giao thương kết nối cung - cầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ một cách toàn diện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững” - ông Nguyễn Thắng Hải nêu rõ.
Kết nối cung - cầu cần hiệu quả hơn
Có thể thấy, các hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội.
Tuy nhiên, tại hội nghị, DN và lãnh đạo các tỉnh, thành có chung ý kiến: Hoạt động kết nối cung - cầu thời gian qua còn gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Nguyên nhân là do DN phần lớn có quy mô nhỏ và vừa; các hộ nông dân... sản xuất nông sản hàng hóa vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng và khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển, phương thức thanh toán, DN phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định có chất lượng...
Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường nhằm thông tin tới DN chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
Để công tác liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, các DN kiến nghị ngành công thương hỗ trợ DN trong công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội. Đồng thời, các cấp chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu.
Nhằm khắc phục những bất cập, tạo cơ hội cho các tỉnh, thành đưa sản phẩm về Hà Nội tiêu thụ, qua đó ngăn chặn việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý, lãnh đạo TP Hà Nội và các sở, ngành Thủ đô đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch; sản xuất, cung ứng hàng hóa theo đúng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP.
Tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: Nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – DN - ngân hàng – nhà phân phối. Tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do TP tổ chức để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội cũng như các hệ thống phân phối nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, EU, ASEAN…
Thông tin tại Hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, TP đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, TP trong cả nước. Đặc biệt, trong năm 2019, TP Hà Nội hợp tác toàn diện với 44/63 tỉnh, TP. Với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn cùng một số lượng lớn người dân thường xuyên đến học tập, làm việc thời vụ, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát triển luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.
“Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng DN hợp tác, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định.

Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2019 có quy mô hơn 300 gian hàng với sự tham gia của hơn 200 DN Việt Nam đến từ 58 tỉnh, thành. Đặc biệt, hội chợ còn thu hút DN một số nước như Bulgaria, Indonesia, Lào. Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, hội chợ đặc sản vùng miền sau 5 lần tổ chức đã tạo được nhiều kết quả khả quan. Năm 2015, doanh số đạt khoảng 15 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 70 tỷ đồng; gần 300 hợp đồng, biên bản hợp tác cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết. Số lượng khách hàng đến tham quan, giao dịch, mua sắm tại hội chợ không ngừng tăng lên, riêng năm 2018 đạt gần 80.000 lượt khách. 


Tối 20/11, tại Trung tâm thương mại Royal City, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam đã chính thức khai mạc, với sự tham gia của hàng trăm DN Việt Nam và quốc tế. Tới dự có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, do UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) thực hiện.

Phát biểu khai mạc hội chợ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, sau 5 năm tổ chức thành công, hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành cả nước và người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đón nhận; là cầu nối giao thương cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong nước với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng. Với sự nỗ lực của TP Hà Nội, sự phối hợp của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành trong cả nước và sự hưởng ứng của các DN, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tiếp tục được khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam.