Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - đầu tàu kinh tế cả nước

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 70 năm (từ 1954 - 2024), Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) bước sang trang sử mới.

Trên hành trình 70 năm ấy, Hà Nội luôn vững vàng vượt qua mọi thách thức, cả trong phòng, chống chiến tranh phá hoại, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đô thị và phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, xứng đáng vai trò đầu tàu kinh tế cả nước…

Từ một đô thị nhỏ bé…

Sau thống nhất đất nước, Hà Nội đồng hành và chia sẻ cùng cả nước những khó khăn, thách thức của công cuộc đổi mới và hội nhập, lần tìm và thử nghiệm nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, phục hồi và làm cho sản xuất bung ra, khắc phục những quá tải hạ tầng kinh tế - xã hội của một Thủ đô đang đô thị hóa nhanh và đứng trước nhiều mục tiêu lớn, nâng tầm vị thế để thích ứng với yêu cầu mới trong bối cảnh mới.

Sau điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội, động lực mới tái cơ cấu về không gian kinh tế, lẫn hệ thống kết cấu hạ tầng và kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Sự bổ sung dân số và hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng nghìn năm được xếp hạng quốc gia) từ các địa phương, góp phần gia tăng sức hấp dẫn của Thủ đô về nguồn nhân lực và văn hóa đa sắc vô giá, củng cố sức sống tự thân mãnh liệt bên trong của một thị trường có dung lượng lớn, cũng như tạo sức hút và lan tỏa mạnh mẽ, tăng tính liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn của thị trường Hà Nội với các địa phương và thị trường khác trong vùng, trong cả nước và với quốc tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội mở rộng cũng phải đối diện với nhiều thách thức và yêu cầu mới, phức tạp và quan trọng về nhận thức, công tác tổ chức, quy hoạch và đầu tư, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc, bảo vệ môi trường và phòng, chống các tệ nạn và tội phạm, quản lý đất đai và bảo đảm an ninh quốc phòng trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, thách thức lớn chưa từng có mới đây là đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng trên khắp địa bàn Thủ đô, cả nước và trên thế giới từ năm 2020, với hệ lụy toàn diện và kéo dài cả về y tế và kinh tế, trước mắt và tương lai…

Vượt qua mọi thách thức đó, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần khi mới giải phóng 10/10/1954, với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Hiện Thủ đô Hà Nội là TP lớn thứ 17 trên thế giới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nghe giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ do huyện Thạch Thất tổ chức,tháng 4/2024. Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nghe giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ do huyện Thạch Thất tổ chức,tháng 4/2024. Ảnh: Hoài Nam

Thủ đô hiện có tổng cộng 2.167 sản phẩm OCOP và 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, với 1.350 làng nghề và 47/52 nghề truyền thống của cả nước.

Đồng thời, liên tục là lá cờ đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, y tế…; an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao; quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chương trình nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo được làm tốt.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, 8 tháng năm 2024, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng cả về lượng và chất, cả trong công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; trong đó: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp tăng đều ở các chỉ số sản lượng thủy sản và thịt xuất chuồng, trứng gia cầm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm và tăng 18,2%; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 62,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,8% dự toán năm và tăng 19,8% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm 2024.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP ước tính đạt 5.801 nghìn tỷ đồng, tăng 8,73% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 4.103 nghìn tỷ đồng, tăng 13,44% so với thời điểm kết thúc năm 2023, với tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,69% trong tổng dư nợ.

Toàn TP có 20,4 nghìn DN thành lập mới, với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng; 7,1 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 11%; thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 4.052 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,8 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. TP giải quyết việc làm cho 164,1 nghìn lao động, đạt 99,4% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

… trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu lục

Động lực hàng đầu để Thủ đô phát triển và vững vàng vượt qua mọi thách thức trước hết đến từ vị thế và lợi thế Thủ đô - nằm ở trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và giao thông vận tải, đầu mối giao thương, kết nối với các tỉnh, TP và quốc tế của cả nước.

Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội - đầu tàu kinh tế cả nước - Ảnh 1

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội". Bác Hồ từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Là trung tâm tài chính - ngân hàng, khoa học và dịch vụ y tế, thương mại lớn nhất và có cộng đồng DN lớn thứ 2 cả nước, Hà Nội còn có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, trẻ và tỷ lệ lao động qua đào tạo cao.

TP luôn quan tâm tạo điều kiện thu hút khai thác các dòng vốn đầu tư đa dạng và dồi dào từ Nhà nước, tư nhân và FDI trên cơ sở sự nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của TP và sự đồng hành của các ngân hàng nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ kịp thời các DN và nhà đầu tư trên địa bàn mở rộng xã hội hóa đầu tư, thúc đẩy dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường đổi mới, sáng tạo gắn với công nghệ số.

Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 DN công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…

Là đầu mối mạng lưới giao thông Vùng và liên vùng, hội tụ và kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải đa dạng cả đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô, đường bộ và đường hàng không, đường thủy, cảng cạn, sắt bộ, đường cao tốc hướng tâm và vành đai kết nối đồng bộ và hiện đại, phù hợp với các đô thị và địa phương dọc các hành lang kinh tế lớn, Hà Nội còn là trung tâm văn hóa cả nước, với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia và cũng là TP đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đóng góp 5% GRDP của TP vào năm 2025; 8% GRDP năm 2030 và đạt 10% GRDP vào năm 2045.

Đồng thời, những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế đối ngoại đã, đang và luôn là một bộ phận gắn kết chặt chẽ và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP trong toàn bộ công tác xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô, với các trọng tâm ưu tiên là đẩy mạnh hoạt động đối ngoại phục vụ kinh tế, đưa các quan hệ hợp tác đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; củng cố và phát triển mối quan hệ với các đối tác láng giềng hữu nghị truyền thống, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đang có đà phát triển thuận lợi và các đối tác tiềm năng khác; tăng cường quảng bá hình ảnh và thúc đẩy các cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và nâng cao vị thế Thủ đô…

Là địa phương sớm nhất cả nước thành lập và duy trì liên tục hoạt động Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế TP, Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình và kế hoạch đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội theo các giai đoạn phù hợp, nhằm thống nhất hành động tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều nội dung cụ thể về mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch hai chiều tại các thị trường tiềm năng.

Hà Nội còn là trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc và được xếp hạng trong nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới, sở hữu bộ sưu tập nhiều danh hiệu vinh dự của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới, như: “Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á năm 2023”, “Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023” và “Cơ quan quản lý du lịch TP hàng đầu châu Á”; “Điểm đến Du lịch 19 TP hàng đầu Thế giới 2023”. Hà Nội còn là TP đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Động lực để Thủ đô phát triển và vững vàng vượt qua thách thức trong thời gian tới còn được gia tăng từ quá trình tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững, cải thiện các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); khắc phục tình trạng trì trệ, chồng chéo, xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ...; tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn;

Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và khuyến khích thu hút đầu tư các cụm công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn; tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt; nâng cao mức đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) và kinh tế số trong GRDP; phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số;

TP không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của DN, thị trường lao động, áp ứng yêu cầu phát triển; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng của TP, gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, dịch vụ logistics, thương mại điện tử, du lịch, giáo dục, y tế...; hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại khu vực ngoại thành.

Đặc biệt, Hà Nội cần đoàn kết thống nhất, “trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt, nhất hô bá ứng”, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” như tinh thần cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo; đa dạng hóa và gia tăng các nguồn lực, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống từ đổi mới tư duy, đổi mới phương thức, cách làm và đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và mô hình kinh doanh mới, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, củng cố và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, phẩm chất con người Thủ đô Hà Nội…

 

Thăng Long được chọn làm Thủ đô nước ta vào năm 1010 dưới triều Lý, đổi tên thành Đông Đô dưới triều Lê và chính thức mang tên Hà Nội từ triều Nguyễn đến nay. Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, Hà Nội chính thức được tái chọn là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và từ 1975 là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thủ đô Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính tính từ năm 1960. Từ 1/8/2008, mở rộng diện tích trên 3.300km2 (334.470.02ha) với dân số 6.232.940 người…