Hà Nội đẩy mạnh kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành công thương Hà Nội đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

39.000 tỷ đồng hàng phục vụ Tết  
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm sút, tuy nhiên khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP chưa đủ để phục vụ nhân dân.
Cụ thể, gạo đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò đáp ứng 15%; thủy hải sản đáp ứng 5%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng 65%; hoa quả đáp ứng 35%..., thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ trong điều kiện bình thường nhưng vẫn phải khai thác thêm từ các tỉnh. Vì thế, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết với tổng giá trị 39.000 tỷ đồng.
Người tiêu dùng Hà Nội tiếp cận sản phẩm nông sản tại Tuần hàng nông sản các tỉnh thành

Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với các địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp… đưa nguồn hàng nông, lâm, thủy sản về Hà Nội tiêu thụ.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm thuộc chuỗi rau, thịt an toàn của 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thực tế cho thấy, hiện các DN bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán tăng 7 - 15% so với Kế hoạch Tết 2021.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại (Hapro) Vũ Thanh Sơn thông tin, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.
Tương tự, Giám đốc Cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ Tạ Thị Minh Hợp cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà cung ứng, chốt lượng hàng dự trữ tăng 40 - 50% so với bình quân các tháng trong năm, trong đó tập trung vào nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Hỗ trợ các tỉnh nâng cao chất lượng mẫu mã
Nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, ngành công thương Hà Nội đẩy mạnh kết nối cung - cầu. Tuy nhiên, trong quá trình đưa hàng về Hà Nội tiêu thụ đòi hỏi các địa phương nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị MM Mega Market Hoàng Mai.

Phân tích nguyên nhân việc sản phẩm của nhiều địa phương chưa đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ nhiều như mong muốn, đại diện hệ thống bán lẻ hiện đại có chung ý kiến, hầu hết đơn vị, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản quy mô vừa và nhỏ nên nên chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì cũng như yêu cầu về thủ tục đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán với DN bán lẻ.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, BRG sẵn sàng hợp tác với DN các tỉnh, thành đưa sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ. Nhưng để làm được điều này, DN sản xuất cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung, đáp ứng các tiêu chuẩn của DN phân phối.
“DN sản xuất cần xây dựng quan hệ kết nối lâu dài, ổn định với DN phân phối, qua đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quyền lợi hai bên”, ông Nguyễn Thái Dũng nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành trong lĩnh vực công thương năm 2022.
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên phố Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy

Tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh Bình Định - Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh - Sóc Trăng năm 2021” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ, thông qua hoạt động này, DN bán lẻ Hà Nội hướng dẫn đơn vị, hợp tác xã các tỉnh, thành quy trình, thủ tục pháp lý, chất lượng, mẫu mã khi đưa hàng vào kênh phân phối, để hàng hóa các tỉnh tiêu thụ thuận lợi trên địa bàn TP Hà Nội.
Đồng tình với ý kiến này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan khẳng định, TP Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho địa phương tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt nông lâm, thủy sản, trái cây an toàn, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh thành phố.
Việc ngành công thương TP Hà Nội đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh thành trong cả nước sẽ đảm bảo không để xẩy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, hỗ trợ DN các địa phương nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng người dân Thủ đô.

Ngành công thương Hà Nội luôn sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Tuy nhiên các tỉnh, thành cần quan tâm, chỉ đạo hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời tích cực đồng hành cùng TP Hà Nội tham gia hoạt động quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm địa phương trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần