Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền: Bước đột phá giúp tăng tính chủ động

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều ý kiến đánh giá, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP vừa được thông qua là bước đột phá của Hà Nội rất phù hợp tình hình hiện nay, góp phần tăng trách nhiệm, chủ động trong công việc của các địa phương, phục vụ hiệu quả phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP và Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn TP. Đông đảo người dân và đại biểu HĐND TP đánh giá, đây là bước đột phá của Hà Nội rất phù hợp tình hình hiện nay, góp phần tăng trách nhiệm, tính chủ động trong công việc của các địa phương, phục vụ hiệu quả phát triển KT-XH và nâng cao đời sống người dân.

Khắc phục “điểm nghẽn” quản lý ở cấp huyện

Theo các ý kiến, Đề án và Nghị quyết này được thông qua đã kịp thời đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách của TP theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030-tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, các chương trình, đề án, kế hoạch của Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025... và thực tế điều hành của TP. Những nội dung điều chỉnh, bổ sung phân cấp mới phù hợp thực tiễn, tạo chủ động cho cấp huyện trong quản lý điều hành phát triển KT-XH địa phương.

Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện, Đề án này đã bóc tách các nhiệm vụ, TTHC để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện. Trong đó, phân cấp, ủy quyền đối với 634 TTHC, đạt 35,5% TTHC cấp TP. Về nhiệm vụ quản lý Nhà nước, ít nhất có 210 nhiệm vụ chính trong 15 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền. Tại Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực KT-XH có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023 cũng bổ sung phân cấp với 9 nhiệm vụ. Nhiều lĩnh vực có phân cấp mạnh hơn trong quản lý, như đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư với chiếu sáng, thoát nước, đầu tư chợ, trường học… TP chỉ quản lý sau đầu tư 10 di tích quan trọng; phân cấp cho cấp huyện đầu tư các chợ (sử dụng vốn NSNN) hạng 1, 2, 3; phân cấp đầu tư, cải tạo sửa chữa, duy tu, bảo trì cơ sở vật chất trường THPT… Với nhiều lĩnh vực khác, cũng đã giúp giải phóng nguồn lực của những quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất.

Cán bộ công chức làm việc tại bộ phận ''một cửa'' UBND huyện Thanh Trì
Cán bộ công chức làm việc tại bộ phận ''một cửa'' UBND huyện Thanh Trì

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện và nhiều DN ở Hà Nội đều kỳ vọng việc phân cấp, ủy quyền triệt để sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN, giúp các chính sách, quy định pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; tiếp đó có hướng dẫn cụ thể về lộ trình, rõ quyền và trách nhiệm của từng cấp, ngành, tránh vướng mắc trong thực tiễn.

Đáng chú ý, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, phương án phân cấp của Đề án lần này gắn đồng bộ với rà soát, phân cấp, ủy quyền về TTHC- chính là “điểm nghẽn” còn tồn tại ở các quận, huyện. Với Đề án lần này khi thực hiện phân cấp, ủy quyền sẽ khắc phục được những vấn đề cơ bản còn hạn chế.

Nhận định phân cấp quản lý giúp hỗ trợ giải quyết TTHC và giảm thời gian phải trình các cấp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn chia sẻ: "Phân cấp có nhiều tác động đến xã hội song tới DN là rất rõ nét. Chúng tôi đã được nghe nhiều ý kiến từ những DN phải thường xuyên làm thủ tục liên quan đầu tư, cho thấy họ đang phải thực hiện nhiều thủ tục, dẫn tới giảm cơ hội đầu tư và năng suất lao động. Vì thế, TP đẩy mạnh phân cấp sẽ giúp họ rất nhiều, vừa góp phần giảm lãng phí xã hội”. Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam thì bày tỏ hy vọng, từ Đề án vừa được thông qua, các cấp, ngành sẽ chủ động triển khai thực hiện theo đúng tinh thần mở rộng quyền, đẩy mạnh các chỉ số phân cấp, chủ động đến các cấp, đáp ứng phát triển KT-XH và nhu cầu người dân.

Từ thực tế triển khai nhiệm vụ tại địa phương, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn thẳng thắn nêu, quá trình phối hợp giữa các sở, ngành đôi khi chưa hiệu quả, dẫn đến ách tắc công việc. Vì thế, Đề án phân cấp này sẽ tạo chủ động cho địa phương, thúc đẩy quản lý Nhà nước, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, rất hoan nghênh việc điều chỉnh phân cấp quản lý các chợ, điển hình tại Sơn Tây có chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ, khi được phân cấp quản lý sẽ hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đánh giá, Đề án phân cấp lần này có tính phân cấp mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học, thực tiễn cao, nhất là phân cấp cho các trường THPT để duy tu, duy trì cơ sở vật chất; khi được phân cấp quản lý trường THPT, địa phương sẽ cải tạo đáp ứng yêu cầu giáo dục. Nhiều lãnh đạo quận, huyện cũng cho rằng, được phân cấp quản lý về giao thông, địa phương sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, VSMT...

Công chức UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Công chức UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân

Cải cách thủ tục, không gây khó cho địa phương

Để thực thi hiệu quả Đề án và Nghị quyết này, đưa chính sách sớm vào cuộc sống, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, việc phân cấp ủy quyền phải tạo được hành lang, cơ chế pháp lý rõ, làm đồng bộ, không gây khó trong triển khai; có phối hợp các sở, ngành để tháo gỡ những nút thắt. Đặc biệt, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam đề nghị, khi phân cấp 35,5% TTHC cho cấp dưới, trong tổ chức thực hiện, điều kiện ở các quận, huyện không giống nhau, nên TP cần tạo điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất để các đơn vị thực hiện được phân cấp. Mỗi cơ quan quận, huyện cũng nên có quy trình nội bộ để thuận lợi giải quyết công việc.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Nam cho rằng, việc phân cấp thực hiện chia ra các quận, huyện, vì vậy để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, TP cần tăng hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương nhất là trong thực hiện TTHC với trường hợp phức tạp; có tổng kết với từng địa phương, lĩnh vực, nội dung phân cấp. Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, muốn phân cấp tốt đòi hỏi người đứng đầu đơn vị, địa phương tăng trách nhiệm khi mình được phân cấp, cán bộ chuyên viên thực hiện nâng cao năng lực; TP quan tâm cải cách TTHC cho gọn nhẹ, hỗ trợ DN nhiều hơn.

Cùng đó, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xây dựng quy định quy trình cụ thể và phân cấp một cách triệt để, thì việc phân cấp mới thực sự đạt hiệu quả; đảm bảo liên thông trong quá trình thực hiện, để nếu sai sót ở khâu nào thì có chỉ đạo xử lý ngay; quá trình giám sát đẩy mạnh tiếp thu ý kiến của cả các tổ chức CT-XH của TP. Đặc biệt, đề nghị tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc cấp nào làm tốt hơn thì giao cấp đó thực hiện; phân quyền gắn với “phân tiền”, đảm bảo nguồn lực tài chính; từng bước đồng bộ phân cấp đầu tư và quản lý sau đầu tư của phân cấp quản lý Nhà nước KT-XH với phân cấp nguồn thu-nhiệm vụ chi, trình HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2022; quan tâm nhóm địa phương có nguồn lực hạn chế.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị TP có đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện phân cấp, ủy quyền tại các cơ quan, đơn vị gắn với đánh giá thi đua hằng năm; nếu đơn vị không đảm bảo khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi các nội dung phân cấp, ủy quyền, bàn giao về đơn vị triển khai hiệu quả hơn. Do vậy, cần có đánh giá liên tục về hiệu quả phân cấp để kịp thời điều chỉnh nếu cần. Song song đó, đề nghị UBND TP chỉ đạo tăng kiểm tra, giám sát sau phân cấp và chú trọng phối hợp hướng dẫn, gỡ vướng trong tổ chức thực hiện phân cấp của chính quyền cấp dưới.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc HĐND TP thông qua Đề án, Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP là nội dung rất quan trọng, tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, liên quan trực tiếp hiệu lực hiệu quả hoạt động các cấp chính quyền. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH của TP, vì vậy sẽ tiếp tục được Thành ủy tập trung chỉ đạo. “Quá trình tổ chức thực hiện, HĐND TP đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát các nội dung, nhiệm vụ, TTHC để đảm bảo phân cấp, ủy quyền được triển khai đồng bộ; tăng kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời gỡ vướng, đảm bảo hoạt động các cấp chính quyền thông suốt, hiệu quả”- Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho hay, ngay sau khi HĐND TP thông qua Nghị quyết, UBND TP xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án, giao nhiệm vụ cụ thể từng ngành, lĩnh vực để tiếp tục rà soát, xây dựng đồng bộ quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực (gồm cả nhiệm vụ quản lý Nhà nước và giải quyết TTHC). Đặc biệt, TP sẽ kịp thời ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình để tổ chức thực hiện thống nhất toàn TP, tránh phát sinh thủ tục; chỉ đạo tăng phối hợp của các đơn vị trong quá trình chuyển giao thống nhất khối lượng thực hiện từ TP về địa phương quản lý, kịp thời gỡ khó trong quá trình này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần