Thu nhập khá từ kinh tế làng nghề
Hà Nội hiện có 322 làng nghề đã được UBND TP công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống (48 làng nghề truyền thống, 274 làng nghề). Các làng nghề hoạt động ở 6/7 nhóm ngành nghề quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, các làng nghề đã và đang có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (huyện Thạch Thất) doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh) có doanh thu bình quân đạt 1.100 tỷ đồng; 2 làng nghề giầy da thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) đạt 500 - 700 tỷ đồng…
Cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động, hiện đạt bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và chưa đồng đều, nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông.
Thay đổi để thích ứng
Dù vẫn đóng góp quan trọng trong kinh tế nông thôn, tuy nhiên, việc phát triển làng nghề hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Theo Chi cục trương Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, mặc dù Trung ương và Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế.
“Hà Nội cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để thúc đẩy các ngành nghề nông thôn; trong đó, mỗi làng nghề, ngành nghề cần xây dựng được kế hoạch phát triển riêng với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể…” - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam.
Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Đây cũng là lý do khiến hàng trăm làng nghề và làng có nghề trên địa bàn Hà Nội đang và đang bị mai một trong những năm qua.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phát triển làng nghề được UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu qua trọng trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội.
Trên cơ sở nhiệm vụ TP giao, hiện nay Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng dự thảo kế hoạch về Phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, gửi lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Từ đó, hoàn thiện dự thảo kế hoạch trình UBND TP phê duyệt.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng nhìn nhận, trong xu thế đô thị hoá hiện nay, việc một số làng nghề bị mai một là khó tránh khỏi. Cùng với nỗ lực của TP, đòi hỏi đặt ra là các làng nghề cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường, cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm.
Để nâng cấp được sản phẩm làng nghề, một trong những giải pháp cần được quan tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Để thực hiện được điều này, rất cần sự vào cuộc của các sở ngành, các quận, huyện, thị xã.
“Nguồn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất của nhiều làng nghề. Dù vậy với đặc thù là Thủ đô, Hà Nội khó có thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ. Do đó, TP cần cần tăng cường liên kết với các tỉnh thành để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất ổn định cho các làng nghề…” - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến.