Chiều nay, 15/12, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Một số giải pháp tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của ĐB Quốc hội TP Hà Nội”.
Dự Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai. Cùng dự có đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Công tác ĐB (UBTV Quốc hội); các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; các ĐB Quốc hội TP Hà Nội; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã của TP…
Nâng cao, cụ thể hóa tiêu chuẩn ĐB Quốc hội
Tại đây, các ĐB Quốc hội TP và đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã nêu nhiều ý kiến, đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của ĐB Quốc hội TP Hà Nội, liên quan các vấn đề như: Nâng cao chất lượng bầu cử (tiêu chuẩn người ứng cử ĐB Quốc hội, quyền và nghĩa vụ của cử tri đi bầu); nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của ĐB Quốc hội trong các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri (TXCT), xây dựng luật; hỗ trợ ĐB Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và quyền hạn; hỗ trợ ĐB Quốc hội trong giữ mối quan hệ với cử tri; tăng cường các yếu tố nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động ĐB Quốc hội; xây dựng cơ chế đánh giá hoạt động của ĐB Quốc hội…
Đáng chú ý, các ý kiến đều đánh giá, chất lượng ĐB Quốc hội TP Hà Nội nhiệm kỳ này đã được nâng lên rõ rệt, với nhiều ĐB có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Đoàn ĐB Quốc hội TP ngày càng có đổi mới thể hiện qua các hoạt động thực tiễn; tổ chức tốt việc TXCT, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến, giúp tiếp xúc rộng hơn với các đối tượng cử tri ở đơn vị bầu cử, thu thập được thông tin phong phú. Cùng đó, các ý kiến cử tri TP Hà Nội được Đoàn tổng hợp, phản ánh lên diễn đàn Quốc hội ngày càng có chất lượng, đề cập những vấn đề quan trọng của Thủ đô, đáp ứng được nguyện vọng không chỉ của cử tri TP mà của cử tri cả nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đống Đa Đỗ Trọng Nam cho rằng, muốn tăng cường chất lượng hoạt động của ĐB Quốc hội TP, trước hết cần tăng chất lượng đầu vào của ĐB - nội dung mang tính quyết định, cần tiêu chuẩn hóa ĐB Quốc hội có trình độ ĐH trở lên, có cơ chế phát huy trí tuệ năng lực ĐB. Về lâu dài cần nghiên cứu đề xuất tăng độ tuổi của ĐB để đáp ứng tiêu chuẩn công tác, kinh nghiệm thực tế.
Đồng tình với đề xuất cần xây dựng cơ chế đánh giá kết quả hoạt động của ĐB Quốc hội, ông Đỗ Trọng Nam cũng đề nghị cụ thể hóa hướng dẫn cử tri thực hiện công tác bầu cử, giúp cử tri bầu được những người xứng đáng nhất đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất. Cùng đó, có cơ chế hỗ trợ ĐB có điều kiện tiếp xúc với cử tri; hoàn thiện cơ chế liên quan kinh phí cho hoạt động của ĐB Quốc hội, thậm chí cần có trợ lý chuyên môn giúp việc để tăng hiệu quả công việc của ĐB.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bích Thủy nhận định, các ĐB Quốc hội TP Hà Nội thể hiện trách nhiệm rất cao, tham gia đầy đủ các kỳ TXCT, qua đó các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri được ĐB truyền tải đầy đủ lên diễn đàn Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan quyền lợi người dân, những bất cập trong cơ chế chính sách hiện nay… Dù vậy, để tăng cường mối quan hệ giữa ĐB Quốc hội với cử tri, bà Nguyễn Thị Bích Thủy đề xuất, Đoàn ĐB Quốc hội TP có nhiều thông tin báo cáo lại cho cử tri về kết quả giải quyết các kiến nghị một cách cụ thể hơn, có sự hệ thống hóa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri bằng phần mềm, sẽ giúp tăng thêm sự tin tưởng của cử tri với ĐB Quốc hội. Đồng thời, mong ĐB tiếp công dân, tiếp nhận các khiếu nại tố cáo và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến cũng như đơn do mình tiếp nhận một cách đầy đủ, góp phần giảm những khiếu kiện kéo dài…
Đồng tình với những ý kiến đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng Nguyễn Xuân Diệp cho rằng, trình độ của cử tri ngày càng tăng lên, do đó uy tín, trình độ, kinh nghiệm của ĐB Quốc hội cần được đặt lên hàng đầu, cùng đó là cái tâm, trách nhiệm của người ĐB đối với cử tri. Bởi vậy, cần cụ thể hơn nữa về tiêu chuẩn ĐB Quốc hội, thắt chặt hơn điều kiện ngay từ đầu vào, quan tâm có những ĐB Quốc hội là đại diện doanh nghiệp hơn. Đồng thời, đề xuất trong các cuộc TXCT của ĐB Quốc hội nên có kết nối trực tuyến với đại diện các sở ngành chức năng, để kịp thời có trả lời nếu cử tri nêu vấn đề liên quan các chuyên ngành.
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cầu Giấy thì đề nghị, các ĐB Quốc hội rất cần nhớ và thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả những điều đã nêu trong chương trình hành động của mình, để củng cố lòng tin của cử tri và Nhân dân.
Lắng nghe có trách nhiệm, đầy đủ ý kiến cử tri
Tiếp thu các ý kiến từ MTTQ các quận huyện, tại Hội nghị, đại diện cho các ĐB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, Giáo sư Hoàng Văn Cường- ĐB Quốc hội khóa XIV, khóa XV bày tỏ: Để ĐB Quốc hội hoạt động đáp ứng được nguyện vọng của cử tri luôn là điều mà các ĐB rất băn khoăn. ĐB Quốc hội tiếp nhận các yêu cầu, kiến nghị của người dân nhưng không phải người giải quyết được mà là người thúc đẩy việc giải quyết đó, nên làm thể nào thực hiện tốt nhiệm vụ đó thì rất cần sự cố gắng nỗ lực của ĐB và cũng cần sự chia sẻ của các cử tri.
Cùng đó, đề nghị các cơ quan quản lý tổ chức được những buổi tiếp dân, TXCT cho ĐB Quốc hội thực sự hiệu quả, đúng đối tượng cử tri, để ĐB tiếp thu được những ý kiến cử tri có chất lượng, trúng vấn đề. Giáo sư Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân, manh tính chất phổ quát thể hiện được sự vướng mắc của các cơ chế chính sách, để ĐB truyền tải lên Quốc hội.
ĐB Quốc hội Dương Minh Ánh đề nghị, công khai cho cử tri biết danh sách ĐB nào bỏ phiếu, ĐB nào không bỏ phiếu hay ĐB bỏ phiếu trắng khi biểu quyết vào các dự án luật. Đồng thời, có cơ chế đủ mạnh để nâng cao quyền hạn, vai trò của ĐB Quốc hội, nhất là trong việc gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan phải có trách nhiệm trả lời. Ngoài ra, để giúp ĐB Quốc hội tăng được tính chuyên nghiệp, rất cần có cơ chế cụ thể cho ĐB Quốc hội thuê chuyên gia, thư ký giúp việc.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: Các ý kiến góp ý tại Hội nghị này là kênh thông tin quan trọng, hữu ích để góp phần vào xây dựng Đề án tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của ĐB Quốc hội mà UBTV Quốc hội đang triển khai.
Nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng đầu vào của ĐB Quốc hội, tăng cường mối quan hệ giữa ĐB Quốc hội và cử tri, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho hay, MTTQ TP đang triển khai rất nhiều nội dung công việc liên quan Đề án này và đề nghị: MTTQ các quận, huyện cần nâng cao trách nhiệm trong tổ chức TXCT để đảm bảo chuyên nghiệp, có cách làm hiệu quả mà vẫn đúng quy định trong việc tiếp thu các ý kiến cử tri, đảm bảo chọn lọc được những ý kiến chất lượng, mang tính đại diện và tập hợp rộng rãi.
Với các ĐB Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP bày tỏ mong muốn ĐB tiếp tục lắng nghe ý kiến cử tri đầy đủ và có trách nhiệm; phía MTTQ cần có cách thức thông tin cho ĐB Quốc hội một cách hiệu quả. Đồng thời, mong các ĐB Quốc hội tham dự nhiều hơn các hoạt động mà MTTQ TP tổ chức ở các địa bàn dân cư, để tiếp xúc lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến của cử tri.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Với yêu cầu ngày càng cao của cử tri, cùng những đổi mới của Quốc hội, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội sẽ phối hợp Ủy ban MTTQ TP triển khai ngay một số nội dung mà ý kiến tại Hội nghị đề xuất để đưa vào trong chương trình hoạt động năm 2023. Với một số ý kiến khác, Đoàn sẽ tổng hợp, góp ý vào Đề án mà Ban Công tác ĐB (UBTV Quốc hội) đang chủ trì xây dựng. Mục tiêu là góp phần thực hiện đúng vai trò, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của ĐB Quốc hội TP.