Hồi phục sau cơn “đại địa chấn”
Những ngày này trên những con đường dẫn lên Vườn quốc gia Ba Vì luôn tấp nập du khách thăm quan chụp ảnh với hoa dã quỳ. Không chỉ người trẻ, cả những đoàn khách người cao tuổi, khách nước ngoài cũng đến nơi đây thăm quan du lịch. Điều này cho thấy du lịch Hà Nội đã dần hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, phát huy vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong 11 tháng qua ngành du lịch Thủ đô đã đón 22,6 triệu lượt du khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 4,1 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (vượt chỉ tiêu ước tính cả năm 2023); khách du lịch nội địa ước đạt 18,5 triệu lượt khách, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 84,25 nghìn tỷ đồng, tăng 58,4% cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón khoảng 25,5 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với ước năm 2023, trong đó 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng.
Con số đạt được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu Kế hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2023 do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 10/3/2023. Theo đó, năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón trên 22 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3 triệu lượt, khách nội địa đạt 19 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 77.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội còn liên tục được các tổ chức, tạp chí du lịch quốc tế uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch. Năm 2023, chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp Hà Nội ở vị trí thứ 3/20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới; trang Booking.com lựa chọn Hà Nội là một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những trải nghiệm ẩm thực đặc sắc... Đầu tháng 9/2023, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày” và giải “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á” dành cho Sở Du lịch Hà Nội.
Tập trung vào thị trường tiềm năng
Năm 2024, các chuyên gia du lịch nhận định du lịch Thủ đô sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi nhiều DN chưa hoàn toàn “bình phục” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời kinh tế sụt giảm do tác động của tình hình chính trị, kinh tế trên toàn cầu nên nhiều du khách hạn chế chi tiêu. Cùng với đó, du lịch Thủ đô chưa xây dựng được những sản phẩm đặc trưng của địa phương, thiếu tour, tuyến điểm… nên việc thu hút du khách không được như mong muốn.
Muốn hoàn thành mục tiêu đón trên 22 triệu lượt khách trong năm 2024, thời gian tới Hà Nội cần tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch có lợi thế; triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường mục tiêu như châu Âu, Bắc Á, Trung Quốc, Ấn Độ...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, muốn phục hồi và tăng tốc phát triển thì cần tập trung thu hút khách từ các thị trường mục tiêu, đặc biệt là những phân khúc khách cao cấp hoặc số lượng nhiều.
“Thời gian tới Hà Nội cần khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch đêm, hoạt động trải nghiệm gia tăng với các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm… qua đó tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế”- ông Thắng đề xuất.
Để giúp khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch, từ đó làm động lực để phát triển kinh tế đêm cho Thủ đô, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn hiến kế, ngoài việc phát triển các tour du lịch trải nghiệm, Hà Nội nên quy hoạch xây dựng thêm trung tâm mua sắm hiện đại, mở cửa cả vào buổi tối.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung vào các giải pháp thu hút khách từ các thị trường mới, xây dựng sản phẩm “3 quốc gia một điểm đến” gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó trung tâm thu hút khách là Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Sở cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với Hãng hàng không Emirates của Dubai trong việc đưa khách từ khu vực Trung Đông sang Hà Nội. Nhằm thu hút lượng khách du lịch đến Hà Nội, Sở Du lịch đã đề ra chiến lược cả trong ngắn và dài hạn.
Đối với chiến lược ngắn hạn, tập trung phát triển sản phẩm chất lượng, khác biệt, trong đó chú trọng vào các nhóm sản phẩm văn hóa - trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch đêm, du lịch thể thao.
Đối với chiến lược dài hạn, ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh việc tái cơ cấu, bảo đảm phát triển toàn diện, bền vững, trong đó quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án công viên chuyên đề, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm mua sắm; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đến các nhóm đối tượng khách, cụ thể đẩy mạnh xúc tiến du lịch golf, thể thao, nghỉ dưỡng đối với thị trường Đông Bắc Á; du lịch văn hóa, tour đêm, ẩm thực với thị trường khách Bắc Mỹ, châu Âu; mua sắm, lễ hội, sinh thái đối với thị trường khách nội địa…