Kinhtedothi - Tại hội nghị tổng kết Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, triển khai chương trình giai đoạn 2016 - 2020 do Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức sáng 10/8, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết: Bộ xếp hạng các địa phương thực hiện những chỉ tiêu về quyền trẻ em năm 2015, Hà Nội đều đứng ở top ten. Đặc biệt, Hà Nội vượt gần 30 bậc về chỉ tiêu liên quan đến nguồn lực so với năm 2014. Trong 5 năm, từ năm 2011 - 2015, thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chủ động tập huấn cho 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn với nhiều nội dung phong phú. Riêng từ năm 2012 - 2015, Sở phối hợp với một số địa bàn khó khăn như Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Ba Vì... tổ chức 118 lớp tập huấn cho 10.500 cộng tác viên và tình nguyện viên, 1.000 cán bộ liên ngành làm công tác này và 2.450 lượt trẻ em.
Trong năm 2016, Sở còn cấp sổ quản lý và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho gần 11.000 cộng tác viên. Ngoài Văn phòng tư vấn bảo vệ chăm sóc trẻ em của Sở, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội, đến nay trên địa bàn Thủ đô còn có 172 điểm tham vấn, tư vấn cho trẻ em. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được TP dành cho mối quan tâm lớn. Minh chứng là 88 mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được hình thành và "sống" dựa vào cộng đồng bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Công an TP duy trì mô hình điểm về quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy tại cộng đồng và trẻ em tại trường giáo dưỡng. Bà Đỗ Hải Đường - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết: "Hai chỉ tiêu cơ bản về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp tăng qua các năm. Năm 2011, tỷ lệ này đạt 97,3%, thì đến năm 2015 tăng lên 99,4%. Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng được trợ giúp, can thiệp, loại bỏ tăng qua các năm. Chẳng hạn, năm 2011 có 85% trẻ em, thì năm 2015 đã tăng lên 95,21%. Tiếp tục những kết quả đó, Chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra 3 mục tiêu. Đó là, giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống còn 0,7%; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại, lạm dụng; đảm bảo trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời. Đồng thời, đảm bảo ít nhất 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Để đạt được kế hoạch này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và quận, huyện, thị xã tập trung làm tốt 5 nhiệm vụ. Trong đó có việc phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; Cũng như nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính...
Khám bệnh miễn phí cho trẻ em tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Chiến Công |