Hà Nội đi đầu thực hiện chính sách người có công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm nay, ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công (NCC) TP Hà Nội còn có nhiều chính sách đặc thù đầy sáng tạo, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Lê Toàn Khang chia sẻ nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7).

Hà Nội đi đầu thực hiện chính sách người có công - Ảnh 1Khởi nguồn sáng tạo

Ông có thể cho biết những chính sách đặc thù đối với NCC mà Hà Nội đã và đang triển khai?

- Thứ nhất, Hà Nội khởi nguồn thực hiện công tác điều dưỡng NCC với cách mạng đến nay được hơn 20 năm cho gần 200.000 lượt đối tượng. Và từ năm 2012, TP khởi xướng đề nghị giảm thời gian điều dưỡng cho NCC từ 5 năm/1 lần xuống 2 năm/1 lần bằng ngân sách TP. Thứ hai, TP thực hiện trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong không còn khả năng lao động, sống cô đơn và người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thay vì một lần như trước đây. Đồng thời, hỗ trợ hàng chục nghìn NCC đi lại thuận tiện bằng cách mua thẻ xe buýt miễn phí ở các tuyến đường được trợ giá. Đặc biệt, gần đây, TP ban hành Kế hoạch 55 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Kế hoạch này đưa ra những chỉ tiêu cụ thể để thực hiện và cũng là bước đệm hướng tới các hoạt động kỷ niệm 70 năm. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự sáng tạo và thay đổi đột phá của Hà Nội, bởi các năm trước, TP cũng như các địa phương khác trong cả nước chỉ ra kế hoạch hoạt động kỷ niệm một năm nhưng riêng năm nay lên tới 2 năm, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến NCC cũng như tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Thủ đô.

Sự quan tâm mà TP dành cho những NCC với cách mạng dịp 27/7 năm nay thế nào?

- Từ năm 2009, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, TP tặng quà có giá trị 500.000 đồng/suất cho NCC, thờ cúng liệt sĩ là 300.000 đồng/suất - cao hơn mức quy định (400.000 đồng, 200.000 đồng). Các đối tượng tặng cũng được mở rộng đến thương, bệnh binh bị mất sức khỏe từ 21% trở lên đến 81%, người bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ 21% - 81%, thân nhân liệt sĩ được tặng 500.000 đồng. Dịp 27/7 này, Hà Nội tặng trên 127.000 suất quà trị giá hơn 55 tỷ đồng từ ngân sách TP. Ngoài ra, có nhiều suất quà từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Chăm lo đời sống cho người có công

Ngày 20/7 vừa qua, TP đã ra mắt Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc thành lập trung tâm này?

 - Xây dựng Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là điểm nhấn của các hoạt động kỷ niệm 69 và 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ của Hà Nội. Trung tâm là nơi có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên cho 150 người nhiễm chất độc hóa học không thể tự phục vụ. Đồng thời, thực hiện quy trình điều trị giải độc cơ thể đối với 500 người nhiễm chất độc hóa học/năm. Ngày 20/7 vừa rồi, Trung tâm ra mắt và đón 53 cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam vào nuôi dưỡng tập trung. Tôi cho rằng, sự ra đời của Trung tâm – đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên trong cả nước về lĩnh vực nuôi dưỡng và tẩy độc thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đối với công tác đền ơn đáp nghĩa và khắc phục hậu quả chiến tranh; cũng như thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người dân Thủ đô đối với NCC.

Hà Nội dự kiến cải tạo, xây mới trên 8.800 nhà cho NCC và sẽ hoàn thành vào năm 2017. Để thực hiện công việc này là cả sự cố gắng rất lớn từ phía TP?

 - Tôi muốn nói rõ, mỗi năm, Hà Nội sửa chữa và xây mới khoảng 500 căn nhà bằng nguồn ngân sách xã hội hóa. Tức là các quận, huyện, thị xã khảo sát thực tế những đối tượng có nhu cầu sửa chữa hay xây mới, rồi tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, DN và trích một phần ngân sách để hỗ trợ gia đình. UBND TP chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát động chương trình sửa chữa, xây mới nhà ở cho NCC với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Theo đó, Hà Nội dự kiến sửa chữa, xây mới trên 8.800 nhà, kinh phí dự kiến khoảng hơn 250 tỷ đồng bằng ngân sách của T.Ư, TP, quận, huyện và nguồn xã hội hóa.

Xét về thẩm quyền theo Quyết định số 22, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, cấp TP là Sở Xây dựng Hà Nội. Sở LĐTB&XH Hà Nội là đơn vị phối hợp để thực hiện, có nhiệm vụ xác định đối tượng NCC. Đến nay, UBND TP đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ đề nghị xin cấp kinh phí để giải quyết. Trước những mong mỏi của đối tượng NCC, Thường trực Thành ủy và UBND TP có kế hoạch bằng tất cả các nguồn lực T.Ư, địa phương và xã hội hóa phải giải quyết xong trên 8.800 nhà trước ngày 27/7/2017. Trong đầu tháng 8 tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội xây dựng dự thảo Kế hoạch và sẽ mời 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành có liên quan tham gia góp ý dự thảo Kế hoạch, sau đó sẽ trình UBND TP ban hành để triển khai thực hiện. Hướng cơ bản sẽ là vận động xã hội hóa ở địa phương, gồm các cá tổ chức, DN và cá nhân để giải quyết việc này.

 Xin cảm ơn ông!