Hà Nội - điểm sáng xuất khẩu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh năm 2022 hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các DN và sự chỉ đạo của các cấp, ngành kim ngạch xuất khẩu (XK) TP Hà Nội có nhiều khởi sắc, trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng qua kim ngạch XK hàng hóa của TP Hà Nội đạt gần 13,1 tỷ USD, tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2021.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại khu Công nghiệp Thạch Thất. Ảnh Thanh Hải.
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại khu Công nghiệp Thạch Thất. Ảnh Thanh Hải.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm trước gồm hàng dệt, may đạt 2.040 triệu USD, tăng 30,5%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1.775 triệu USD, tăng 26,4%; giày dép các loại và sản phẩm từ da đạt 423 triệu USD tăng 62,4%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1.516 triệu USD, tăng 3,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.129 triệu USD, tăng 2,6%; xăng dầu đạt 1.064 triệu USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 672 triệu USD, tăng 26,5%; hàng nông sản đạt 622 triệu USD, tăng 15,4%; hàng hóa khác đạt 3.293 triệu USD, tăng 14,3%.

Kết quả này cho thấy, DN đã chủ động, tận dụng sự phục hồi của những nền kinh tế lớn, đồng thời cũng là thị trường XK trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, các nước EU, Trung Quốc... Đặc biệt, để XK tăng trưởng mạnh mẽ, bên cạnh việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống như: EU, Mỹ, Nhật Bản… DN đã tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm nhiều thị trường XK mới.

Nổi bật nhất trong bức tranh XK năm 2022 của Hà Nội chính là tỷ trọng xuất khẩu của khối DN Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, có tỷ trọng xuất khẩu cao hơn DN FDI.

 

Thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để DN có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP và EVFTA. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh đánh giá, dù cả 2 khối DN trong nước và DN FDI đều có mức tăng trưởng XK cao so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tỷ trọng hàng XK của khối FDI đã không còn chiếm ưu thế như trước đây.

“Trong 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 6 tỷ USD kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các DN Việt Nam trong quá trình XK hàng Việt ra thị trường thế giới”- bà Oanh dẫn chứng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, bên cạnh các nhóm hàng XK có thế mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội cũng cần định hướng và triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng trở thành mặt hàng chủ lực trong tương lai như phần mềm - công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng.

Tăng tính chuyên nghiệp trong xúc tiến thương mại

Trong kết quả tăng trưởng xuất khẩu, không thể không nhắc tới vai trò của cộng đồng DN. Ngay từ đầu năm 2022, các DN Hà Nội đã có phương án khắc phục khó khăn, nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng. Đồng thời chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng thời cơ, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn BRG trong lĩnh vực xuất khẩu, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - (Hapro) đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng về doanh thu sản xuất, kinh doanh. Theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy… do dịch Covid-19, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng XK.

Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Đặc biệt, Hapro cũng sớm tiếp cận thông tin, tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đang tập trung tận dụng Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA qua đó tăng kim ngạch XK dệt may vào thị trường EU trong thời gian tới. Bên cạnh đó, DN cũng đang hướng tới một số thị trường mới ở châu Phi.

Cùng với sự nỗ lực của các DN, để đạt được mục tiêu kim ngạch XK tăng 5% trong năm 2022 thời gian qua TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN kết nối tìm kiếm đối tác nước ngoài tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường XK.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian qua UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội tăng cường các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, tập trung hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN XK. “Thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch 271/KH-UBND về đẩy mạnh XK trên địa bàn TP năm 2022...” - bà Lan khẳng định.

Có thể thấy, để đạt được sự bứt phá trong hoạt động XK, TP Hà Nội và Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đổi mới trong phương thức hỗ trợ DN theo hướng chuyên nghiệp, qua đó đạt hiệu ứng xúc tiến cao, tiết kiệm kinh phí. Các DN cũng đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm XK, nâng tầm thương hiệu, đồng thời xây dựng lòng tin với người tiêu dùng nước ngoài đối với các sản phẩm Việt Nam.