Hà Nội “điểm tên” đơn vị chậm quyết toán dự án dùng vốn đầu tư công

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 13/3, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết toán dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, tính đến hết 31/12/2022 trên địa bàn Thành phố còn 173 dự án đã hoàn thành nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán so với quy định, trong đó có 74 dự án cấp Thành phố, 89 dự án cấp huyện.

Một số đơn vị còn nhiều dự án chậm quyết toán là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (14 dự án cấp Thành phố), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội (10 dự án cấp Thành phố); UBND huyện Quốc Oai (7 dự án cấp Thành phố), UBND huyện Gia Lâm (5 dự án cấp Thành phố), UBND huyện Chương Mỹ (2 dự án cấp thành phố, 27 dự án cấp huyện), UBND huyện Phú Xuyên (3 dự án cấp thành phố, 14 dự án cấp huyện).

Trong đó, một số đơn vị còn tồn đọng dự án chậm quyết toán kéo dài từ các năm trước như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội 07/14 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội 04/10 dự án, UBND huyện Quốc Oai 04/07 dự án.

Để đảm bảo công tác quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện đúng quy định, UBND TP yêu cầu các Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công ngân sách cấp Thành phố thực hiện việc lập, trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống biểu mẫu sử dụng trong công tác quyết toán.

Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Văn bản số 920/UBND-KT ngày 31/3/2022, số 3850/UBND- KTTH ngày 17/11/2022 về việc đẩy mạnh công tác quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời lưu ý thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý, thanh, quyết toán, tạm ứng, thu hồi tạm ứng, công nợ. thu hồi ngay những khoản tồn đọng, chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, thực hiện tất toán tài khoản của dự án đã phê duyệt theo quy định;

Rà soát, tập trung giải quyết vướng mắc đối với các dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng một số hạng mục độc lập nhưng chưa hoàn thành thủ tục kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của toàn bộ dự án để lập báo cáo quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định;

Công khai tình hình quyết toán, tổng hợp danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để công khai trên báo, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.

Thực hiện báo cáo tình hình quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo thời gian, đủ nội dung theo quy định; chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND thành phố khi báo cáo không đầy đủ tình hình quyết toán các dự án do mình làm chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến việc bố trí nợ sau quyết toán và điều hành ngân sách.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ những dự án chậm quyết toán dự án hoàn thành, gửi về Sở Tài chính trước ngày 31/3/2023 để được thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND TP yêu cầu thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống biểu mẫu sử dụng trong công tác quyết toán và các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 920/UBND-KT ngày 31/3/2022, số 3850/UBND-KTTH ngày 17/11/2022 về việc đẩy mạnh công tác quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoàn thành của dự án theo đúng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và khoản 1 Điều 23 Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của UBND Thành phố và gửi Quyết định phê duyệt quyết toán cho chủ đầu tư để tổng hợp chung khi quyết toán toàn bộ dự án;

Ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán dứt điểm công nợ của các dự án sau khi được phê duyệt quyết toán; chỉ đạo Chủ đầu tư kịp thời lập hồ sơ thanh toán, thu hồi các khoản công nợ theo quyết định phê duyệt quyết toán; đẩy nhanh số dự án đang thẩm tra, thực hiện tất toán tài khoản và đóng mã dự án theo quy định.

Chỉ đạo các chủ đầu tư trực thuộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ những dự án chậm quyết toán dự án hoàn thành, gửi về Phòng Tài chính – Kế hoạch (đối với dự án cấp huyện) trước ngày 31/3/2023 để được thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.

UBND TP giao Sở Tài chính xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn Thành phố năm 2023, trong đó tập trung kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư còn nhiều dự án chậm quyết toán, báo cáo UBND TP những vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có); đẩy nhanh việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án theo quy định; công khai tình hình quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính.

UBND TP giao các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố: thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND Thành phố giao tại Văn bản số 920/UBND-KT ngày 31/3/2022, số 3850/UBND-KHTH ngày 17/11/2022 về đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo đúng quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần