Cần nhiều giải đấu mở rộng sân chơi
Ngoài những hình thức rèn luyện sức khỏe vẫn thường thấy như: đi bộ, đánh cầu lông, tập dưỡng sinh, đá bóng… nhiều năm qua trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước nở rộ phong trào đi xe đạp. Việc lựa chọn đi xe đạp để hướng đến mục tiêu rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ. Theo các chuyên gia về thể thao, đạp xe đem lại rất nhiều lợi ích, trong đó nổi bật nhất là cải thiện tình trạng sức khỏe. Cụ thể, đối với các cán bộ văn phòng, sau một ngày làm việc mệt mỏi, ít vận động và chủ yếu tiếp xúc với máy tính, việc đạp xe không những tạo cảm giác thư thái khi được ngắm đường phố đông đúc, nhộn nhịp mà còn giúp người tập vận động cơ bắp, tăng nhịp thở, giúp hệ thần kinh linh hoạt hơn.
Ghi nhận trên địa bàn TP Hà Nội vào sáng sớm, chiều tối và đặc biệt là ngày cuối tuần, đông đúc người dân lựa chọn đạp xe đạp để rèn luyện sức khoẻ. Thậm chí, tại hồ Tây có dịch vụ cho thuê xe đạp cho người có nhu cầu. Là người đam mê thể thao và có thâm niên đạp xe trong nhiều năm qua, anh Bùi Quý Lượng (34 tuổi, Hoàng Mai) cho biết, việc lựa chọn đạp xe để rèn luyện sức khoẻ đan xem với những ngày chạy bộ để tạo nên sự hướng khởi cũng thay đổi hình thức tập luyện mỗi ngày.
Bên cạnh việc những người dân đạp xe theo hình thức tự phát còn có các giải đấu phong trào với sự tham gia của nhiều CLB mô tô và xe đạp phong trào được tổ chức khắp các quận, huyện, thị xã và DN trên địa bàn TP. Điển hình như Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội tổ chức, duy trì suốt 5 năm qua đã trở thành một sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo các cua rơ chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp cả nước tham dự. Sau 3 năm phải tạm dừng vì dịch bệnh Covid-19, dự kiến năm nay giải đấu sẽ được tổ chức trở lại vào dịp cuối tháng 8/2023.
“Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng là sự kiện được tổ chức thường niên thu hút các tay đua tài năng ở nhiều tỉnh, TP tham gia. Mùa giải trước (diễn ra vào năm 2019), giải đấu có sự tham gia của trên 300 VĐV thuộc hơn 30 CLB xe đạp các tỉnh, TP, ngành. Các VĐV tranh tài theo các lứa tuổi, như: 18-35, 35-45, 46-55 tuổi...” - Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội Nguyễn Chãi cho biết.
Phải khẳng định, dù là giải thể thao phong trào nhưng Ban Tổ chức Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng đã nỗ lực tổ chức giải đấu một cách chuyên nghiệp nhất nhằm thu hút các VĐV mạnh tham gia trong nhiều năm qua. Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội Quách Thùy Linh, để tổ chức tốt giải đấu Ban Tổ chức đã mời hơn 20 trọng tài cấp quốc gia, được phân bổ hợp lý, đi trên mô tô giám sát đường đua và làm nhiệm vụ ở vạch đích, nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng cho giải đấu: “Giải sẽ có hơn 50 xe mô tô thể thao làm công tác hỗ trợ dẫn đường, bảo đảm an toàn đường đua. Về công tác y tế, có 2 kíp trực của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội được bố trí gần khu vực thi đấu, phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho giải đấu. Dù chỉ dừng lại ở quy mô một địa phương, mà đây thực sự là sân chơi dành cho các VĐV đua xe đạp phong trào của cả nước”.
Lan tỏa phong trào tập luyện
Việc tổ chức các giải phong trào ở các môn thể thao là tiền đề cũng như định hướng giúp tìm chọn ra các VĐV gắn bó với chuyên nghiệp, xa hơn là mục tiêu cho thể thao thành tích cao. Trong đó, những giải đấu như Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng, Giải đua xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Giải đua xe đạp VTV Cúp Tôn Hoa Sen cần được nhân rộng trên cả nước.
Tuy nhiên, việc tổ chức một giải đấu quy mô còn khá gian nan ở các địa phương, thậm chí tại Thủ đô Hà Nội do cơ sở vật chất tập luyện môn xe đạp còn thiếu; việc huy động các nguồn lực tham gia vào phát triển môn xe đạp vẫn hạn chế… Theo Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội Nguyễn Chãi, Liên đoàn đã có kế hoạch cụ thể trong việc tập trung đầu tư, đào tạo đội ngũ HLV, trọng tài chuyên nghiệp để tham gia các giải đấu. Mặt khác, chú trọng công tác vận động các nhà tài trợ tham gia đầu tư, ủng hộ phát triển môn xe đạp của TP, phấn đấu đưa xe đạp thể thao là một trong những môn rèn luyện thân thể có hiệu quả cao và thường xuyên của Nhân dân; đồng thời phát triển hệ thống các câu lạc bộ xe đạp phong trào đến tất cả các quận, huyện, thị xã trong TP.
Việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho VĐV xe đạp chuyên nghiệp để phát triển VĐV thành tích cao là điều tiên quyết để hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bộ môn phong trào bền vững, song song với việc lan tỏa phong trào tập luyện và hướng đến xây dựng đội xe đạp địa hình mạnh, đóng góp thêm nhiều vận động viên vào ĐTQG.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Trần Đức Phấn cho biết, tại Hà Nội có rất nhiều CLB xe đạp phong trào, đây là lợi thế để phát triển. Các CLB là những nòng cốt để phát huy nhằm lan tỏa phong trào tập luyện bộ môn xe đạp. Nếu Hà Nội biết tận dụng có thể tổ chức một giải đua xe đạp chất lượng chuyên môn cao, quảng bá hình ảnh Thủ đô.