Hà Nội đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng giáo dục

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua kết quả đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đánh giá khoa học, khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục công tác các trường tiểu học.

UBND TP Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT Hà Nội đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2020 – 2021. Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 11/6/2020 của UBND TP Hà Nội về Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội năm 2020.
Thông qua kết quả đo lường để đánh giá khoa học, khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục công tác các trường tiểu học. Qua đó, khắc phục những bất cập, tồn tại về chất lượng các dịch vụ công do nhà trường cung cấp, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với chất lượng các dịch vụ công.
 Sở GD&ĐT Hà Nội đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học. Ảnh: Xuân Trường.
Đồng thời công bố kết quả đo lường trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội theo dõi và cùng đồng hành trong việc nâng cao chất lượng giáo dục công tại các trường tiểu học trên địa bàn TP.
Trong quý 1 năm 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Hội đồng đo lường gồm các thành viên là lãnh đạo, chuyên viên một số phòng thuộc Sở, phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và đại diện hiệu trưởng trường tiểu học của 10 quận, huyện.
Trên cơ sở lựa chọn ngẫu nhiên mỗi quận, huyện, thị xã 4 trường tiểu học, trong đó có 1 trường thuộc nhóm trường xuất sắc; 1 trường thuộc nhóm trường xếp loại tốt; 1 trường trong nhóm trường xếp loại khá và 1 trường trong nhóm trường xếp loại trung bình để tiến hành đo lường.
Sở GD&ĐT Hà Nội tập trung khảo sát các nhà trường thông qua việc đánh giá sự hài lòng của người dân với 5 tiêu chí chính:
Các tiêu chí về tiếp cận dịch vụ giáo dục, bao gồm: Những thông tin về tuyển sinh, chuyển trường, mức thu học phí, các khoản đóng góp theo quy định của trường.
Những tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, gồm có: Thiết bị vệ sinh, đồ dùng dạy học, phòng học, ánh sáng, sân chơi, bãi tập.
Các tiêu chí về môi trường giáo dục: Giáo viên nhà trường gần gũi, thân thiện; giáo viên công bằng với trẻ, với học sinh; phương pháp dạy học của giáo viên dễ hiểu, lôi cuốn học sinh; nhà trường phối hợp với gia đình.
Những tiêu chí về hoạt động giáo dục: Tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học; Chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Tiêu chí đánh giá chung: Nhà trường đáp ứng bao nhiêu % sự mong đợi của người dân khi cho con vào học.
Từ ngày 16 đến 28/3, các tổ đo lường của Sở GD&ĐT Hà Nội đã trực tiếp đo lường sự hài lòng của cha mẹ học sinh tại 30 quận, huyện, thị xã với tổng só 120 trường tiểu học.
100% cha mẹ học sinh được khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học đều phấn khởi tham gia trả lời phiếu về các mức độ hài lòng theo từng nội dung, tiêu chí.
Từ kết quả khảo sát đo lường của người dân tại các phiếu, Sở GD&ĐT tiếp tục làm việc với các đơn vị độc lập để tổng hợp, xử lý, phân tích số liệu và xây dựng báo cáo đề xuất giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công tại các trường tiểu học năm học 2020 – 2021 và những năm tiếp theo.
Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến cuối tháng 5/2021 sẽ công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2020 – 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần