Hà Nội: Doanh nghiệp kỳ vọng sự bứt phá kinh tế trong 5 năm tới

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn vừa qua đã nêu đầy đủ trên các lĩnh vực. Việc phân tích những kết quả đạt được và nguyên nhân chưa được rất đầy đủ, chính xác và khách quan. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sự bứt phá và phát triển kinh tế trong 5 năm tới với những giải pháp sát thực.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và của Thành phố, bức tranh 5 năm qua (2015 - 2020) Nhân dân Thủ đô đã chứng kiến, thụ hưởng được nhiều thành tựu to lớn đạt được trên tất cả các mặt: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh. Ảnh: Khắc Kiên
Tôi cho rằng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%); năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước.
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá phân tích, chúng tôi thấy một số ngành sau còn thể hiện sự bất cập cần có giải pháp quyết liệt trong giai đoạn tới để có chính sách thúc đẩy phát triển như: Ngành công nghiệp tăng trung bình 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tăng 8,4%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học... Tuy nhiên, ngành công nghiệp Thủ đô phát triển chưa xứng tầm vị thế trong cả nước, sản phẩm chủ lực tuy nhiều nhưng chưa thể hiện được những đột phá trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chủ yếu lắp ráp và đầu tư nhiều phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù đã có nhiều chính sách để phát triển ngành này song quỹ đất và giá mặt bằng còn quá cao chưa phù hợp phát triển công nghiệp.
Ngành dịch vụ thương mại, về hạ tầng các chợ chưa phát triển, cón nhiều chợ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và văn minh đô thị, các kế hoạch xây dựng cảng cạn chưa hoàn thành, hệ thống logistics còn yếu, kế hoạch xây dựng chưa xong hai khu theo kế hoạch tại Mỹ Đình và Gia Lâm.
Công nhân làm việc trong dây chuyển sản xuất của SUNHOUSE. Ảnh: Khắc Kiên
Về phát triển đô thị, Thành phố chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn gây rất phiền hà cho chủ đầu tư. Có dự án 5 - 10 năm chưa xong các thủ tục cho nhà đầu tư triển khai dự án, làm mất đi cơ hội kinh doanh và hạn chế bứt phá trong hoạch định chiến lược của nhà đầu tư, hạn chế suất đầu tư từ đó giá cả của dự án tăng, thời gian kéo dài, làm kém hiệu quả của dự án,
Về môi trướng kinh doanh, chỉ số PCI từ đứng thứ 33/63 tỉnh thành, chỉ sau hơn 3 năm, năm 2018, chỉ số PCI đã vươn lên tốp 10 toàn quốc (thứ 9/63 tỉnh thành). Năm 2019, 2020 các tỉnh, thành trong cả nước đều có cố gắng vượt bậc, song Hà Nội vẫn giữ được thứ hạng cao, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước.
Tuy nhiên, một số chỉ số thành phần PCI quan trọng tiếp tục còn thấp và vẫn là những rào cản, trở lực trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị Thành ủy, chính quyền Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo, hành động quyết liệt để khắc phục. Đó là các chỉ số thành phần về: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chi phí không chính thức.
Về quyết sách phát triển kinh tế Thủ đô, để bứt phá nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 Thành phố tăng trưởng GRDP từ 7,5 – 8% trong sản phẩm trên địa bàn. Trong báo cáo đã có phân tích về bức tranh kinh tế Thủ đô và sự phát triển doanh nghiệp là phong phú, sinh động và bảo đảm được tính khách quan, khoa học của sự đánh giá.
MISA là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về chuyển đổi số. Ảnh: Hoàng Anh
Chúng ta tự hào với bức tranh phát triển kinh tế của Hà Nội nhiệm kỳ qua. Dự thảo báo cáo cũng đã có các nhiệm vụ, giải pháp khoa học, có tính khả thi tiếp tục phát triển kinh tế trên các ngành lĩnh vực rất cụ thể và khoa học và nhgững giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Thành phố đã nêu ra những nguyên nhân yêu kém và những bài học kinh nghiệm, đó là giải pháp được thực thi khắc phục trong giai đoạn tiếp theo. Nếu khắc phục được những khuyết điểm đó, trong tương lai 5 năm tới Hà Nội sẽ có bước chuyển mình cả về lượng và chất, chung tôi mong muốn nhiệm vụ giải pháp được thực thi nghiêm túc.
Ba điểm đáng lưu ý
Để phát triển trong giai đoạn tới, chúng tôi có một số góp ý sau.
Thứ nhất, các giải pháp đưa mục tiêu về cơ cấu lại ngành công nghiệp, ngành dịch vụ du lịch, nông nghiệp… chúng tôi quan tâm đến kế hoạch phát triển công nghiệp nhất là đổi mới khoa học công nghệ, hiện nay chương trình đổi mới công nghệ quốc gia chưa được đầu tư và chỉ đạo sâu sát để doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách này.
Về hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn phải có các tập đoàn với vai trò dẫn dắt, hiện Thủ đô đã có chính sách hỗ trợ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vị thế Thủ đô như: Chương trình phát sản phẩm Công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ. Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển mẫu mốt thời trang, cùng với việc phát triển các nhà máy sản xuất tại các tỉnh, địa phương, có điều kiện mặt bằng và nguồn lực. Hà Nội cần khôi phục lại trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô (là nơi khách quốc tế đến giao thương và xúc tiến thương mại).
Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ hai, về phát triển đô thị, doanh nghiệp mong muốn Thành phố quan tâm cảnh quan môi trường đô thị nông thôn, hiện nay chương trình nông thôn mới làm rất tốt, nhưng vệ sinh nông thôn còn nhiều bất cập nhất là hạ tầng. Để đảm bảo đời sống cho nhân dân nhất là trong các làng nghề nông thôn hiện nay.
Thứ ba, trong quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo phải có các quyết sách cho đổi mới, sáng tạo. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố đã có nhiều quyết sách nhằm khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp sáng tạo đều là những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ, vốn ít, nhân sự hạn chế, chủ yếu đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách phù hợp để liên kết, kết nối hỗ trợ kinh nghiệm, phương thức quản trị... cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Có một điều trong báo cáo phần đánh giá kết quả hoạt động 5 năm (2015 - 2020) cũng như phần mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) về vai trò, sự đóng góp cũng như nhiệm vụ của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thủ đô thiếu sự đánh giá, cũng như sự quan tâm trong chính sách, giải pháp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố.
Trong khi thực chất các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thủ đô đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố (Về GRDP, về giải quyết việc làm, thu nhân sách…).
Đặc biệt, trong toàn bộ nội dung báo cáo còn thiếu vắng hoàn toàn những đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo hoạt động và củng cố vai trò, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp, như đóng góp của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) và các hiệp hội ngành nghề khác trên địa bàn, trong bối cảnh doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, đang và sẽ là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, cả trên phạm vi  quốc gia và quốc tế…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần