Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng phấn khởi khi được thành phố “tiếp oxy”

Vũ Khoa/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội gặp vô vàn khó khăn.

Do đó, UBND TP đã giao Sở GTVT tham mưu, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ cho DN đang lâm vào tình trạng “khó thở” hiện nay.
Quá tải các khoản chi
Theo báo cáo của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, sản lượng hành khách và doanh thu của xe buýt trong quý I năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức sụt giảm 9,3 triệu lượt, doanh thu thâm hụt đến 13,9 tỷ đồng. Đến tháng 5/2021, sản lượng xe buýt tiếp tục sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020; giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021.
Nguyên nhân chính dẫn đến những con số ảm đạm vừa nêu là do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19, các phương tiện kinh doanh vận tải phải ngừng hoạt động, giảm số chuyến, sức chứa để thực hiện giãn cách, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các chi phí bắt buộc liên quan đến công tác phòng, chống dịch như dung dịch khử khuẩn, sát khuẩn tay, khẩu trang, tờ khai y tế... phát sinh cũng khiến DN thêm gánh nặng.
Xe buýt phục vụ vận chuyển F1 trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Dù sản lượng và doanh thu bị giảm sút nghiêm trọng, nhưng các khoản chi phí lớn cố định như lãi ngân hàng, thuế, tiền thuê mặt bằng, phí sử dụng đường bộ... vẫn phải chi trả khiến DN vận tải chịu nhiều áp lực. Tình trạng này cũng khiến đời sống và hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải không thể ổn định, nhiều DN mất khả năng duy trì sản xuất, hoạt động.
Ngoài ra, chi phí lắp đặt camera giám sát vô hình chung cũng gây áp lực lớn cho DN, khi trung bình khoảng 10 triệu đồng/xe, với DN có 100 đầu xe, số tiền phải đầu tư có thể đến hàng tỷ đồng. Chưa kể, chi phí vận hành hệ thống giám sát, duy trì đường truyền, 4G khoảng 100.000-200.000 đồng/xe/tháng, phát sinh khoản chi mới trong tình trạng không có thu như hiện nay.
Dù thời hạn xử phạt xe vận tải chưa lắp camera giám sát được lùi đến hết ngày 31/12/2021 song nhiều DN vẫn lo ngại tình hình tài chính không được cải thiện đến đầu năm 2022. Không loại trừ trường hợp DN không có tiền đầu tư thiết bị vì doanh thu giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19, do đó DN vẫn khó thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ quy định.
Một số DN vận tải cho biết, để tạo lối thoát về tình trạng tài chính khó khăn hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần điều chỉnh một số quy định về cơ cấu khoản nợ. Cụ thể, yêu cầu thời gian cơ cấu lại khoản nợ trước 31/12/2021 đã không còn phù hợp với thực tế. Trong khi thực tế, đại dịch Covid-19 đã kéo dài 18 tháng so thời điểm Thông tư 03 được ban hành vào tháng 4/2021. Với quy định này, nhiều DN không thể cơ cấu lại được các khoản nợ, dẫn đến khó khăn càng chồng chất.
Mở lối
Trên cơ sở thông tin của các đơn vị vận tải, Sở GTVT đề xuất UBND TP kiến nghị các Bộ liên quan xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay, miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.
UBND TP vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở tài chính và các cơ quan đề xuất, tham mưu để TP có căn cứ đề nghị Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng, phí bảo trì đường bộ, thời hạn lắp đặt camera. UBND TP yêu cầu các Sở hoàn thành việc tham mưu trong tháng 8/2020.
Nhận được sự quan tâm đúng lúc của lãnh đạo UBND TP, nhiều DN vận tải hành khách công cộng tỏ ra phấn khởi khi những vướng mắc đã được lắng nghe và chia sẻ. Đặc biệt trong bối cảnh các DN vận tải hành khách công cộng cũng đang hết sức đóng góp trong cuộc chiến với dịch Covid-19: Tham gia nhiều hoạt động vận tải đặc thù như đưa đón F0, F1 đến và đi ở các khu cách ly, chở công dân từ các địa phương về Hà Nội và ngược lại trong thời gian vừa qua.
Đại diện Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất của DN lao đao từ năm 2020, việc TP triển khai hỗ trợ bằng chính sách là rất cần thiết, phù hợp với thực tế. Điều này giống như DN được “tiếp oxy” ngay trong thời điểm “khó thở” nhất khi dịch bệnh hoành hành.
Riêng về chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021, UBND TP thống nhất thực hiện theo đề xuất của Sở GTVT và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã có báo cáo về việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến và các khoản chi phí khác cho đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến, bao gồm cả các đơn vị vận tải khách bằng xe buýt. Cho phép xét nghiệm, sàng lọc và tiêm vaccine phòng dịch đối với đội ngũ lái, phụ xe buýt.