Thách thức từ hội nhập Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, môi trường đầu tư tại Hà Nội đã có những chuyển biến rõ nét, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng bậc. Theo địa bàn đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016, Hà Nội dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 139 dự án cấp mới và 41 dự án điều chỉnh vốn, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,96 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Thị trường bất động sản tiếp tục xu hướng duy trì ổn định, lượng giao dịch có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2015. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý 5 tháng tăng 37,9% so với cùng kỳ; nhiều công trình, dự án trên địa bàn được triển khai đảm bảo tiến độ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa, vận tải đều tăng…
Tuy vậy, diễn biến kinh tế 5 tháng đầu năm 2016 cho thấy một thực tế không mấy lạc quan. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, do nhiều nguyên nhân, GDP cả nước tăng thấp hơn so với dự báo. Hà Nội cũng bị tác động, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của TP tăng thấp. Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 897 triệu USD, tăng 2,7% so tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ. Ước 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,31 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 3,32 tỷ USD, tăng 0,7%. Một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ gồm: Nông sản giảm 15,2%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi giảm 19,6%; xăng dầu giảm 16,4%... Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đạt 9,28 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương là hơn 4 tỷ USD, giảm 6,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giữ được mức tăng trưởng nhưng một số ngành vẫn còn gặp khó khăn như: Chế biến gỗ và sản phẩm sản xuất từ gỗ, tre, nứa (giảm 27,2%); sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất (giảm 24,8%), sản xuất thiết bị điện (giảm 13,8%)... “Xuất khẩu của Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của TP cũng gặp áp lực cạnh tranh về thị trường nông sản khá lớn đến từ các nước trong khu vực... Nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới gia tăng, đặc biệt từ kho dự trữ lớn của Thái Lan, dẫn đến giá gạo thế giới giảm” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định về xu thế trong thời gian tới. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước và Hà Nội có xu hướng tăng do giá dầu thế giới tăng trở lại. Việc tăng giá một số yếu tố đầu vào như xăng dầu, tiền lương cơ bản (tăng 5% kể từ 1/5/2016), giá thuê đất, mặt bằng sản xuất vẫn còn cao, dẫn đến giá thành nhiều mặt hàng còn cao, khó cạnh tranh với hàng cùng loại nhập khẩu. Một nguyên nhân nữa được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây là khả năng tiếp cận tín dụng của một số DN nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn, dù lãi suất cho vay như các ngân hàng tuyên bố đã giảm… Đây là những áp lực lớn trong điều hành chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP Hà Nội trong quý II và những tháng tiếp theo của năm 2016. Cải thiện môi trường kinh doanh Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, 6 tháng cuối năm, UBND TP nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm: Hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư, thu ngân sách; tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển... Bên cạnh đó, TP Hà Nội vẫn tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý sản xuất, đào tạo nâng cao trình độ, năng suất lao động. Đa dạng hóa nguồn lực phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo cho du khách một hình ảnh Hà Nội đẹp, thân thiện, an toàn… Trong tháng 6 tới, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của TP, nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm (2016 - 2017), định hướng đến năm 2020. Những kế hoạch, hành động của Hà Nội cho thấy quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, để xứng tầm với tiềm năng, vị thế và kỳ vọng của Nhân dân Thủ đô và cả nước.
Sản xuất bảng điện tử tại Công ty Meiko( Nhật Bản), Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Năm 2016, Hà Nội cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ các DN, giúp DN nâng cao năng lực cạnh. Thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bộ, ngành và UBND cấp tỉnh cần có giải pháp, chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, GS. TS Đặng Đình Đào: Xây dựng cơ chế đặc thù Chính phủ cần có cơ chế đặc thù về dư nợ cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn Hà Nội như tuyến xe bus nhanh, cải tạo môi trường, giảm UTGT, một số đường hướng tâm quan trọng… Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Võ Trí Thành: Yêu cầu phải cải cách triệt để Môi trường và đặc điểm thị trường trong bối cảnh hội nhập đang thay đổi rất nhanh, nền kinh tế năm 2016 sẽ có độ mở cửa mạnh hơn, nhanh hơn. Cùng với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan về cơ bản còn 0%, chắc chắn tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế đặt ra yêu cầu phải cải cách triệt để thủ tục hành chính trong 2 lĩnh vực quan trọng của ngành tài chính là thuế và hải quan. |